Đúng vụ cá nhưng tàu thuyền vẫn đậu kín một cảng cá ở Nghệ An vì lý do này
Cảnh tượng chưa từng có: Đúng vụ cá nhưng tàu thuyền vẫn đậu kín một cảng cá ở Nghệ An vì lý do này
Cảnh Thắng
Thứ sáu, ngày 11/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đội tàu đánh bắt xa bờ ở Nghệ An phấn khởi ra khơi, tuy nhiên do giá xăng dầu tăng chóng mặt, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Nghệ An có nguy cơ phải nằm bờ vì có ra khơi cũng chấp nhận lỗ.
Cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò vắng bóng người mua bán hải sản; ngư dân gác thuyền nằm bờ vì ra khơi sẽ thua lỗ. Thực hiện: Cảnh Thắng
Giá xăng dầu tăng cao, ngư dân gác thuyền nằm bờ
Những ngày này, men theo con đường nhỏ vào cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), người dân địa phương và du khách không mấy bất ngờ khi tàu thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu dày đặc trên bên bờ, nguyên nhân do giá xăng dầu đã tăng chóng mặt.
Chỉ tay vào đoàn tàu đang nằm bờ, ông Nguyễn Đình Hợp, trú tại khối Yên Định, phường Nghi Thủy cho biết: "Gia đình tôi có một tàu đánh cá với công suất hơn 65CV. Những ngày trước, tôi và 7 bạn thuyền thường đi khai thác hải sản ở các vùng biển Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng cao quá đành quay thuyền vào bờ chờ xăng dầu giảm giá mới ra khơi được".
Theo ông Thương, chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 25 triệu đồng. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá thì đủ tiền chi phí, còn không thì lỗ nặng, phải bù giá nhiên liệu".
"Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo chi phí một chuyến vươn khơi đội lên rất nhiều. Trong khi đó, sản lượng ra khơi đánh bắt không được nhiều, giá tôm, cá không tăng, sức mua cũng giảm hơn trước nên mỗi chuyến ra khơi tôi lỗ cả chục triệu đồng. Thua lỗ liên tiếp, thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề", ông Hợp cho biết thêm.
Tương tự, ông Phùng Bá Thu trú tại phường Nghi Thủy cho biết: "Chiếc tàu 850CV của gia đình mỗi khi đánh bắt xa bờ ít nhất cũng 30 ngày. Mỗi chuyến đi như vậy có 25 bạn thuyền cùng theo. Nhiên liệu "ngốn" gần 3.000 - 4.000 lít dầu. Như vậy tôi đâu đủ chi phí trang trải cho bạn thuyền. Cứ ra khơi thời điểm này là phải bù lỗ".
Theo ông Nguyễn Đình Hợp, cả phường Nghi Thủy có hơn 20 chiếc tàu vỏ sắt công suất 800CV trở lên và hơn 100 chiếc tàu công suất từ 60CV đến 100CV. Hiện tại tất cả tàu đều nằm bờ vì không kham nổi giá xăng dầu.
Theo quan sát của phóng viên tại cảng cá Nghi Thủy, không chỉ có tàu gỗ mà hàng chục tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Nghệ An cũng lâm cảnh tương tự.
"Không thể ra khơi đánh bắt hải sản vì thu nhập không đủ trang trải chi phí, trong khi nằm bờ lâu ngày cũng dễ bị hư rồi lại tốn tiền sửa chữa, thời điểm này chúng tôi không biết xoay sở như thế nào?", ông Hợp cho biết thêm.
Muôn trùng khó khăn bủa vây ngư dân khi giá xăng dầu lên cao
Theo ông Phùng Bá Thu, không chỉ giá cả leo thang, chi phí cho mỗi chuyến biển không đủ trang trải, trả lương cho nhân công, nhiều chủ thuyền ở Nghệ An còn gặp khó khi tìm bạn thuyền.
Nghề biển thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề. Họ rời quê đi kiếm việc làm khác để mưu sinh, hoặc xuất khẩu lao động.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay tại Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền (T.X Hoàng Mai 885 tàu, huyện Quỳnh Lưu 585 tàu, huyện Diễn Châu có 497 tàu, thị xã Cửa Lò 345 tàu...) trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Với đội ngũ gần 20.000 lao động nghề biển; có thể coi Nghệ An là là một trong những tỉnh chú trọng phát triển nghề biển.
Tuy nhiên, hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng).
Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022 Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.
"Giá nhiên liệu tăng cao trong khi ngư trường thu hẹp, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế nghề biển, lực lượng lao động cũng vì thế chuyển đổi nghề. Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi", ông Học cho biết thêm.
Theo ông Học, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản và các chủ tàu yên tâm vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, UBND tỉnh Nghệ An đã giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.
Trong khi đó, ông Chu Quốc Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho rằng, để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, ngoài các chính sách của tỉnh, Chi cục cũng đang nỗ lực làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Bên cạnh đó nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, hỗ trợ máy thông tin tầm xa...
Từ 15h ngày 11/3, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng, lên 29.820 đồng - mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng và dầu tăng 2.520-3.950 đồng một lít. Như vậy, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/3 là 28.980 đồng một lít; RON 95 là 29.820 đồng.
Giá các loại dầu đều tăng. Dầu hoả là 23.910 đồng một lít, tăng 3.940 đồng. Dầu diesel là 25.260 đồng một lít, tăng 3.950 đồng. Dầu mazut là 20.980 đồng một kg, tăng 2.520 đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.