Cấp đổi giấy phép lái xe ô tô: Bộ GTVT siết chặt quản lý, chống tham nhũng tiêu cực

Thế Anh Thứ ba, ngày 07/02/2023 13:49 PM (GMT+7)
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy giấy phép lái xe.
Bình luận 0

Bộ GTVT vừa yêu cầu UBND, sở GTVT các tỉnh, thành phố và Cục Đường bộ Việt Nam phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô.

Theo Bộ GTVT, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, ATGT, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng luôn tiềm ẩn có thể xảy ra tiêu cực.

Cấp đổi giấy phép lái xe ô tô có nguy cơ xảy ra tiêu cực không? - Ảnh 1.

Bộ GTVT yêu cầu ngăn chặn tiêu cực trong cấp đổi giấy phép lái xe ô tô. Ảnh: Thế Anh

Bộ GTVT đánh giá, những năm gần đây, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo bằng việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định; xây dựng, ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.

Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT.

"Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe cũng được Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt", Bộ GTVT khẳng định.

Theo Bộ GTVT, chất lượng dịch vụ đào tạo lái xe cũng được nâng cao nhờ quy định gắn thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Ngời dân cũng thuận tiện hơn khi dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trên Cổng dịch vụ công Quốc gia được triển khai.

Để tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hơn chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô và thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện trên địa bàn địa phương triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô.

Cấp đổi giấy phép lái xe ô tô có nguy cơ xảy ra tiêu cực không? - Ảnh 2.

Học viên học lái xe trên cabin mô phỏng. Ảnh: CTV

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô.

Đồng thời, Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường thanh, kiểm tra tại các Sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành Công an, y tế và các Bộ, ngành trong quản lý, giám sát đào tạo sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô.

Thông tin về việc cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mỗi năm có khoảng gần 2 triệu giấy phép lái xe ô tô được cấp đổi.

Đến nay, các công việc để phục vụ tốt việc cấp đổi giấy phép lái xe ô tô cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được ngành GTVT hoàn thiện. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe của ngành Y tế.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tháng 7/2020 đã thí điểm đổi giấy phép lái xe ô tô cấp độ 4 tại Hà Nội và Hà Nam. Có 10 cơ sở y tế của hai tỉnh, thành này cung cấp giấy khám sức khỏe điện tử. Việc kết nối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông cũng được thực hiện.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Hà Nội có 10 hồ sơ cấp đổi thành công, còn Hà Nam không có trường hợp nào. Đến tháng 7/2021, việc thí điểm được nhân rộng ra 12 tỉnh, thành phố, tuy nhiên việc kết nối hai loại dữ liệu không có sự thay đổi, chỉ kết nối được dữ liệu của Hà Nội và Hà Nam.

Trong đó, có 4 Sở chưa có hồ sơ đăng ký thành công, 8 Sở GTVT chỉ có 131 giấy phép lái xe ô tô được đổi thành công. Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có 20 GPLX được đổi thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nguyên nhân là do thiếu dữ liệu về giấy khám sức khỏe, ngành Y tế chưa mở rộng các cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, số cơ sở y tế vẫn giữ nguyên như giai đoạn thí điểm, hiện mới có 3 cơ sở tại Hà Nội và 8 cơ sở tại Hà Nam thực hiện kết nối.

Thêm nữa, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử, người dân phải khám tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày và mất thêm phí chứng thực nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem