Doanh nghiệp xăng dầu TP.HCM than có hiện tượng "lách luật" nên càng bán càng lỗ

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 10/10/2022 09:26 AM (GMT+7)
Một doanh nghiệp có 2 cây xăng tại TP.HCM lỗ triền miên nhiều tháng qua. Trung bình mỗi tháng lỗ hơn 100 triệu đồng mỗi cây xăng. Tháng gần nhất, mức lỗ tổng cộng của hai cây xăng tăng lên 300 triệu đồng.
Bình luận 0

Hai ngày cuối tuần 8 - 9/10, hàng loạt cây xăng TP.HCM hết xăng. Lượng xăng dầu bán ra nhỏ giọt, nhiều nơi phải bán cầm chừng bằng cách giới hạn 30.000 đồng/lượt đổ.

Đến chiều tối 9/10, tình hình cây xăng TP.HCM hết xăng càng nhiều hơn khiến người dân phải vất vả tìm nơi đổ.

Cây xăng TP.HCM hết xăng: Chủ doanh nghiệp nói càng bán càng lỗ

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu lớn với hệ thống hơn 50 điểm bán xăng dầu tại TP.HCM cho biết do thiếu nguồn hàng nên đã báo cáo với cơ quan chức năng về khả năng có thể tạm ngưng trong thời gian sắp tới. Được phía Sở Công Thương TP.HCM vận động, hỗ trợ thông qua các đầu mối khác nên đã có nguồn xăng dầu cung cấp cho người dân. 

Tuy nhiên, đến nay, một số đại lý tại Bình Chánh, Bình Tân lấy xăng của doanh nghiệp vẫn đang hụt hàng.

Doanh nghiệp xăng dầu TP.HCM than có hiện tượng "lách luật" nên càng bán càng lỗ - Ảnh 1.

Một cây xăng tại TP.Thủ Đức hết xăng ngày 9/10. Ảnh: Chinh Hoàng

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tính đến chiều tối 9/10, toàn TP.HCM có 54 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết hàng. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng đã hết cách đây vài ngày và vẫn đang chờ phía nhà cung cấp xăng xác nhận.

Đại diện trạm xăng dầu Nhơn Hòa trên Quốc lộ 13, TP.Thủ Đức cho biết đơn vị cung cấp xăng dầu là Công ty TNHH TM Tân Hiệp hẹn đến ngày 11/10 mới có xăng để giao.

Lý giải về tình trạng nhiều cây xăng bán cầm chừng, hết hàng những ngày gần đây, giám đốc một doanh nghiệp sở hữu 2 cây xăng tại TP.HCM thẳng thắn cho biết do lượng hàng nhập về hạn chế.

Đặc biệt, theo ông, các đại lý kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đang quá lỗ, càng bán càng lỗ nên nhiều khả năng khó có thể trụ nổi.

Doanh nghiệp của ông chỉ có 2 cây xăng nhưng lỗ triền miên nhiều tháng qua. Trung bình mỗi tháng lỗ hơn 100 triệu đồng mỗi cây xăng. Tháng gần nhất, mức lỗ tổng cộng của hai cây xăng tăng lên 300 triệu đồng. Với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, khả năng lỗ càng nhiều.

Ông cho biết nguyên nhân là doanh nghiệp cung ứng xăng dầu đưa ra mức chiết khấu 0 đồng, cộng thêm các loại chi phí thì càng bán càng lỗ. Ông đã tính đến chuyện tạm ngưng hoạt động 2 cây xăng do gánh hết nổi.

Đây cũng là tình hình chung các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM đang gặp phải. 

Cây xăng TP.HCM hết xăng: Doanh nghiệp nói điều hành "có vấn đề"

Bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM hiện nay là mức chiết khấu 0 đồng từ nhà cung cấp khiến họ không thể gánh nổi trong liên tục nhiều tháng qua. Theo các doanh nghiệp, có hiện tượng "lách" quy định về giá nên gây bất lợi cho các đại lý bán lẻ.

Doanh nghiệp xăng dầu TP.HCM than có hiện tượng "lách luật" nên càng bán càng lỗ - Ảnh 3.

Một cây xăng tại quận Tân Bình hết xăng ngày 9/10. Ảnh: Hồng Phúc

Trong văn bản gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM cho rằng ciệc điều hành của Liên bộ Tài Chính - Công Thương thời gian qua có vấn đề nên gây ra bất lợi đến doanh nghiệp dẫn đến bất ổn thị trường.

Theo Nghị định 95, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng.

Điều này đồng nghĩa khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Trong khi bán ra tới tay người tiêu dùng thì phải không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.

Doanh nghiệp xăng dầu TP.HCM than có hiện tượng "lách luật" nên càng bán càng lỗ - Ảnh 4.

Tính đến chiều tối 9/10, toàn TP.HCM có 54 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết hàng. Ảnh: Chinh Hoàng

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP.HCM kiến nghị, khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ với tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.

Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định. 

Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc trích quỹ bình ổn cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Thay vì vậy, nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp cũng theo dõi được rõ ràng hơn.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Liên bộ Công Thương và Tài chính về tình hình hoạt động bán lẻ trên địa bàn để có những giải pháp phù hợp đảm bảo lợi ích hài hòa giúp cho các doanh nghiệp cân đối lại chi phí và đảm bảo nguồn cung ứng phục vụ cho nhu cầu sản xuất tiêu dùng của người dân.

Liên Bộ cũng đã có nghiên cứu và điều chỉnh, theo đó dự báo kỳ điều chỉnh giá ngày 11/10 tới đây sẽ khắc phục được những bất cập về chi phí.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem