Đáng chú ý, trong danh sách 18 người vào Bộ Chính trị có 2 Bộ trưởng đương nhiệm là ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Quá trình công tác của tân Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sinh ngày 06/4/1964, quê quán: Xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày vào Đảng: 29/11/1996, học hàm, học vị: Tiến sĩ; Lý luận chính trị: Cao cấp. Ông Trần Tuấn Anh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Từ tháng 01/1988 đến 4/1994, ông Trần Tuấn Anh là chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Sau đó, tháng 4/1994 đến 6/1999, ông chuyển sang làm chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ 6/1999 đến 6/2000, ông Trần Tuấn Anh giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp. Tháng 6/2000 đến 5/2008, ông được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, rồi Quyền Vụ trưởng, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ).
Từ 5/2008 đến 8/2010, ông Trần Tuấn Anh là Thành ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Sau đó, từ tháng 8/2010 đến 01/2016, ông giữ vị trí Ủy viên ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Trần Tuấn Anh được được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ tháng 1/2016 đến 4/2016, ông Trần Tuấn Anh là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Từ tháng 4/2016 đến nay, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với ông Trần Tuấn Anh.
Dấu ấn nhiệm kỳ của Tân Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Trong quá trình giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh đã ghi dấu ấn với nhiều sự kiện kinh tế lớn, các lĩnh vực trong ngành công thương như xúc tiến thương mại, cải cách cơ chế, bộ máy hoạt động,…
Trong đó, nổi bật là hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,… Theo giới chuyên môn nhận định, các FTA đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chưa khi nào trong vòng 1 năm, Việt Nam đã tham gia 3 FTA, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã kí và đưa vào thực thi lên con số 15.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.
5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp.
Được biết, trong 8 Uỷ viên Bộ Chính trị khóa mới, có 8 người là Uỷ viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử, gồm: Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
Ngoài ra, có 7 Uỷ viên Ban Bí thư khóa cũ được bầu vào Uỷ viên Bộ Chính trị khóa mới. 2 Bộ trưởng đương nhiệm được bầu là ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.