Băng rừng, vượt suối vận động học sinh đến trường

Công Nam Thứ tư, ngày 28/08/2024 14:00 PM (GMT+7)
Chuẩn bị bước vào năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đến trường.
Bình luận 0

Tích cực vận động học sinh đến trường

Vượt qua những con đường hiểm trở, những ngọn núi cao chót vót của xã Đắk Ngo, lãnh đạo ngành giáo dục Đắk Nông và thầy cô giáo Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác đã đi đến thăm, động viên gia đình hai em Thị Chúc, Thị Yêm, dân tộc M'Nông ở thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.

Chấp cánh ước mơ con chữ cho học sinh vùng sâu Đắk Nông - Ảnh 1.

Ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đến trường. Ảnh Công Nam.

Trong suốt kỳ nghỉ hè, hai em cố gắng giúp đỡ gia đình làm vườn cà phê và công việc nhà. Gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, hiện chỉ còn có bố là lao động chính, mẹ bị tai biến, anh trai bị tai nạn nằm liệt 1 chỗ. Được các thầy cô đến thăm, động viên 2 em rất vui và cảm động.

"Được các thầy cô quan tâm, được bố động viên để cháu đến trường, cháu cảm thấy rất vui, cháu sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô", cháu Thị Chúc vui vẻ nói.

Bố của 2 em Thị Chúc và Thị Yêm, ông Điểu Thắng (dân tộc M'Nông), chia sẻ gia đình rất khó khăn, tuy nhiên ông vẫn luôn động viên các con đi học, chứ không để các con phải nghỉ học làm rẫy.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông và thầy cô giáo Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác đến thăm, động viên, tặng quà gia đình hai em Thị Chúc, Thị Yêm ở thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Clip: Công Nam.

Cùng với sự nỗ lực của gia đình, ông Điểu thắng cho biết, những năm qua nhờ có các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh vùng sâu, học sinh vùng đặc biệt khó khăn mà hai con gái của ông có điều kiện đến trường, không phải bỏ học. Hàng tháng các cháu đều được cấp gạo, được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại.

"Hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn, vợ bị tai biến, anh trai của 2 cháu thì bị tai nạn giao thông. Nhà xa trường, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhà trường, hỗ trợ cho các cháu tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại, mình cố gắng động viên các con cố gắng đi học để biết con chữ, biết tính toán để sau này có cuộc sống tốt hơn", ông Điểu Thắng nói.

Các chính sách của Đảng, Nhà nước giúp học sinh vùng sâu đến trường

Ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, ở xã vùng 3, hoàn cảnh của nhiều gia đình học sinh rất khó khăn, nhiều em trở thành lao động chính khi mới 15-16 tuổi.

Do đó, chuẩn bị bước vào năm học mới, để duy trì sĩ số, ban giám hiệu và các thầy cô giáo tích cực về các bon làng để nắm bắt tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương, ban tự quản các thôn bon vận động học sinh đến lớp.

Chấp cánh ước mơ con chữ cho học sinh vùng sâu Đắk Nông - Ảnh 3.

Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo bám bon, bám làng, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang hỗ trợ tích cực chấp cánh ước mơ con chữ cho học sinh vùng sâu Đắk Nông. Ảnh: Công Nam.

Phía nhà trường, thầy cô giáo luôn tuyên truyền các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp phụ huynh, học sinh hiểu được sự quan trọng của việc học. Bên cạnh đó, hiểu rõ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã giúp cho nhà trường duy trì tốt sĩ số. Năm học này, tỷ lệ học sinh đến lớp gần như 100%.

"Ban giám hiệu nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm, kết hợp với các thôn, bon, chính quyền địa phương đến vận động các em đi học. Về chính sách thì xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn nên có 2 chính sách theo Nghị định 81 hỗ trợ chi phí học tập và Nghị định 116 hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền ở cho các em, rất tốt", thầy Hiệt nói thêm.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh đặc biệt quan tâm đến học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền các địa phương, các đoàn thể, hệ thống chính trị ở cơ sở chủ động về từng bon làng để nắm bắt tình hình và vận động học sinh đến lớp.

Chấp cánh ước mơ con chữ cho học sinh vùng sâu Đắk Nông - Ảnh 4.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, các chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 116 năm 2016 và Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả rất tốt trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Công Nam.

Với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngành sẽ tìm những giải pháp hỗ trợ cho các em. Quan điểm của ngành giáo dục tỉnh là không để em học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Sở GDĐT cũng thông tin thêm, các chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 116 năm 2016 và Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả rất tốt tại tỉnh Đắk Nông.

Trong các năm học 2022-2023 và 2023-2024 đã có hơn 14.000 học sinh trong tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, hỗ trợ chi phí học tập với số tiền gần 21 tỷ đồng. Năm học mới 2024-2025 này, các chính sách hỗ trợ này tiếp tục được áp dụng và giúp các trường vùng sâu, vùng xa vận động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số.

Gần tới ngày tựu trường, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của Đắk Nông đang háo hức trở lại trường. Clip: Công Nam.

"Các chế độ chính sách của Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm đến con em, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học rất lớn trong những năm qua. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục, của các thầy cô", ông Hải nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem