Tinh gọn 19 "ông lớn" Nhà nước: Chính phủ yêu cầu tách chức năng quản lý của bộ ngành với hoạt động doanh nghiệp

An Linh Thứ tư, ngày 11/12/2024 06:26 AM (GMT+7)
Đây là quan điểm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18/2017 của Bộ Chính trị.
Bình luận 0

Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động doanh nghiệp

Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo cơ quan này khẳng định nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo định hướng, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết thực hiện chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm cơ quan đại diện chủ sở hữu về các bộ quản lý chuyên ngành.

Chính phủ yêu cầu tách chức năng quản lý của bộ ngành với hoạt động doanh nghiệp- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (Ảnh: Chinhphu.vn).

Đặc biệt, chuyển giao bộ máy nhân sự quản lý theo nguyên tắc "người theo việc", đồng bộ với phương án chuyển giao doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi, công việc cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Ủy ban.

Đảm bảo nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, các bộ quản lý ngành, hình thành đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ phải đảm báo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động ổn định, liên tục, tránh gián đoạn. Trong đó, bao gồm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ sở hữu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và triển khai các dự án trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cũng nêu những kiến nghị đối với cấp thẩm quyền về những công việc cần xử lý ngay, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục của các tập đoàn, tổng công ty.

Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng qua sắp xếp, cơ cấu lại sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước được nâng cao năng lực quản trị, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động phối hợp, cũng như những ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã thể hiện sự đồng thuận rất cao về tinh thần và phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Các kiến nghị của tập đoàn, tổng công ty sẽ được tiếp thu, tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về bộ quản lý ngành là người phải theo việc, người nào việc đấy.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "giao quyền mạnh" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh theo quy định của pháp luật.

Chính phủ yêu cầu tách chức năng quản lý của bộ ngành với hoạt động doanh nghiệp- Ảnh 2.

Lãnh đạo Chính phủ liên tiếp họp bàn, lắng nghe ý kiến của các đơn vị được yêu cầu tinh gọn, sắp xếp lại trong ngày 10/12 (Ảnh: Chinhphu.vn).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, phải đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

“Nguyên tắc sắp xếp phải tách bạch một cách hợp lý giữa chức năng quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành với hoạt động của doanh nghiệp”, lãnh đạo Chính phủ nêu quan điểm.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Chỉ giữ "xương sống" của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Tại cuộc họp về việc sắp xếp Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau khi nghe báo cáo phương án sắp xếp của các bộ ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu: "Chức năng, nhiệm vụ chuyển về đâu, biên chế về đấy. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự".

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai phương án chuyển giao nhân sự; đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.

Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu phương án sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; phương án sắp xếp Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương.

Trong đó, có 2 khối giảm lớn nhất đó là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố và sắp xếp lại Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng từ mô hình tổng cục xuống thành các cục.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu một số khó khăn liên quan đến việc sắp xếp cần phải có lộ trình để bảo đảm hoạt động thường xuyên về nghiệp vụ của ngành và bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước; nêu các vấn đề liên quan đến bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, tính toán để cân đối, đảm bảo giảm đầu mối theo đúng yêu cầu.

Tại cuộc họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước phương án chuyển BHXH Việt Nam từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Tài chính. 

Tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính, lãnh đạo nhiều Bộ như Bộ LĐTB&XH, Y tế, Nội vụ, Tư pháp… khẳng định sự cần thiết và đồng tình, thống nhất cao với việc tổ chức BHXH Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Tài chính.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy BHXH ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống"; sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh.

"Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, nên giữ nguyên. Còn khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình bảo hiểm xã hội liên huyện", Phó Thủ tướng nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem