Rõ "số phận" của 19 tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước khi bộ ngành tinh gọn bộ máy
"Số phận" của 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước khi bộ ngành tinh gọn bộ máy
An Linh - Vũ Khoa
Thứ sáu, ngày 06/12/2024 22:35 PM (GMT+7)
Theo kế hoạch, chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty đang giao cho Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, dự kiến chuyển về Bộ quản lý chuyên ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch Ban Chỉ đạo Tổng kế Nghị quyết 18/NQTW về định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ. Đáng chú ý, trong Kế hoạch này có việc sắp xếp 19 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn Nhà nước đang chịu sự quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.
Theo Kế hoạch số 141 vừa được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành về định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động.
Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty đang giao cho Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ quản lý chuyên ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp than - khoáng sản, Tổng công ty Đường sắt, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... sẽ chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2/2018, đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Hiện nay, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Trong đó có 7 Tập đoàn gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietNam); Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group); Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).
Các Tổng công ty gồm: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty Cà-phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng công ty Lương thực miền bắc (VNF1); Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood II) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Tổng vốn chủ sở hữu 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước do Ủy ban quản lý đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu hàng năm của cả nước.
Cùng đó, công văn 140 cũng nêu về việc cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 01 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.