Chủ quán bắt cô gái quỳ gối ở Bắc Ninh sẽ bị xử lý thế nào?

Quỳnh Nguyên Thứ tư, ngày 19/08/2020 16:04 PM (GMT+7)
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc chủ quán ăn ở Bắc Ninh bắt khách hàng quỳ gối xin lỗi vì đã chê đồ ăn quán này mất vệ sinh có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác.
Bình luận 0

Mới đây, vụ việc một chủ quán ăn ở TP.Bắc Ninh bắt khách hàng xin lỗi vì đã lên mạng review không tốt về món ăn của quán thu hút sự chú ý của dư luận. 

Cụ thể, trong đoạn clip ngắn đăng tải trên mạng xã hội, một người đàn ông ngồi trên ghế liên tục giáo huấn, đe doạ, chửi bới cô gái. Theo nội dung trong đoạn clip, nguyên nhân của sự việc là do cô gái này đi ăn và thấy sán trong đĩa lòng nên đã viết phản ánh sự việc lên Facebook.

Người đàn ông này được cho là chủ quán dùng những từ ngữ thô tục, chửi bới cô gái. "Trừ khi về quê chứ mày sống ở đâu trong mảnh đất Bắc Ninh thì xuống đất bố cũng móc mày lên. Thằng nào xúi mày làm hại tao chứ sao lại làm hại tao? Tao có làm gì hại mày đâu mà đi hất bát cơm của tao? Tao mở quán ăn này 10 năm rồi chưa có ai dám nói gì. 10 người như mày cũng xử được. Mày là ai, ở trên trời cũng móc lên bằng được…".

Trong khi đó, cô gái liên tục khóc, van xin. Xung quanh, nhiều người chứng kiến, cùng quát mắng cô gái. Sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo tìm hiểu, sự việc trên xảy ra tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Chủ quán bắt cô gái quỳ gối ở Bắc Ninh sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Chủ quán lòng nước bắt cô gái quỳ lạy van xin mình vì đã viết lên lên Facebook nói đồ ăn của quán có sán

Trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, việc chủ quán ăn ở Bắc Ninh bắt khách hàng quỳ gối xin lỗi trước nhiều người dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015. 

Luật sư Diệp Năng Bình cho hay: Hành vi làm nhục xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của người khác. Người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự người khác dưới mọi hình thức. 

Người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thoả mãn thú vui xác thịt...

Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe doạ buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Ví dụ đưa lên trang mạng internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu rếu làm nhục người khác... 

Chủ quán bắt cô gái quỳ gối ở Bắc Ninh sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Về phía người bị hại, hành vi này đã bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Có những căn cứ để xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... 

"Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục", luật sư Bình nói.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

(theo Bộ luật Hình sự năm 2015)

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem