Chủ tịch Quảng Nam: "Sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất Việt Nam"
Chủ tịch Quảng Nam: "Sông Cổ Cò sẽ là một trong những con sông đẹp nhất Việt Nam"
Diệu Bình
Thứ sáu, ngày 08/01/2021 18:01 PM (GMT+7)
Chiều 8/1, tại Khu đô thị Casamia Hội An (Quảng Nam) diễn ra buổi Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng".
Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cùng các đơn vị, chuyên gia liên quan và đại diện lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, phát triển đô thị…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc khơi thông sông Cổ Cò là niềm mong mỏi rất lớn không chỉ của đảng bộ, chính quyền nhân dân của hai tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng mà còn là khát vọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"Sông Cổ Cò khi mà khơi thông, tôi tin tưởng rằng vùng đô thị kết nối giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là khu đô thị Điện Nam, Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ hình thành đô thị mở rộng Hội An về phía Bắc và mở rộng của Đà Nẵng về phía Nam sẽ làm đa dạng và phong phú hơn.
Tôi tin chắc rằng sông Cổ Cò sẽ là một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam. Hôm nay tại hội thảo này, tôi cũng truyền tải đến khát vọng của lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam về một câu chuyện sông Cổ Cò bắt đầu từ hôm nay", ông Thanh cho hay.
Nêu vấn đề tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, việc làm thế nào để có những ý tưởng để giải bài toán về một dự án tại một vùng kinh tế trọng điểm theo hướng vừa hiện đại, vừa dân tộc và khắc phục các vấn đề như biến đổi khí hậu cũng như môi trường để làm cho sông Cổ Cò trở thành một trong những con sông đẹp nhất Việt Nam là rất quan trọng.
"Tôi đánh giá đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2021- 2025, cần được Chính phủ, các bộ đưa vào kế hoạch 5 năm sắp đến để có chính sách, cơ chế ưu đãi, tạo thuận lợi cho Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện nhanh và có hiệu quả cao. Do vậy, tôi kiến nghị với lãnh đạo hai địa phương, nên coi cuộc hội thảo này là mở đầu cho chuỗi các sự kiện khoa học để nghiên cứu sâu hơn," Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kiến nghị.
Tham gia tham luận tại hội thảo, ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nhận định, nếu cần lựa chọn đâu là dự án tiêu biểu nhất mang tính biểu tượng cho sự hợp tác phát triển giữa hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng, đó chính là dự án khơi thông sông Cổ Cò.
"Về phía Đà Nẵng, có thể khẳng định việc khơi thông sông Cổ Cò mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là hiệu quả khai thác trực tiếp. Hiện nay hai bên bờ sông phía Đà Nẵng đã phủ kín các dự án và hầu hết đã cơ bản hoàn thành. Điều đó có nghĩa sẽ không có vấn đề khai thác quỹ đất hay hình thành các ku đô thị mới. Dự án hướng tới 3 mục tiêu cụ thể: Bảo vệ dòng sông, khai thác du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị", ông Phong thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, việc khơi thông sông Cổ Cò là quyết tâm chính trị có sự đồng thuạn lớn của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Dự án đã được khởi động khá lâu nhưng tiến độ chưa được như mong muốn bởi những lý do khác nhau. Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận đây là dự án hợp lòng dân, thuận với quy luật tự nhiên và lịch sử.
Dự án khơi thông sông Cổ Cò nối cửa Hàn tới cửa Đại (Hội An) dài 28km, trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Nam khoảng 20 km, chiều dài qua Điện Bàn và Hội An khoảng 10km. Đây là dự án không chỉ được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cả hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền Trung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.