Chuyện 10 năm gây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của PGS.TS Việt trở về từ Pháp

Thứ sáu, ngày 22/01/2021 08:06 AM (GMT+7)
Tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Bách khoa Grenoble (Pháp), PGS.TS Trần Xuân Tú về nước, dành hơn 10 năm để xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực thiết kế vi mạch tại trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN.
Bình luận 0

Ghé thăm Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) thuộc Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) - ĐHQGHN, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng PGS.TS Trần Xuân Tú - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm SISLab để nghe kể về hành trình xây dựng nhóm nghiên mạnh và những niềm vui cũng như những trăn trở của một nhà khoa học.

Xây dựng nhóm nghiên cứu từ thuở sơ khai…

Trở về nước từ đầu năm 2008, PGS.TS Trần Xuân Tú đã cùng học trò bắt tay vào phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch - một lĩnh vực còn mới ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Khó khăn chồng chất nhưng sức mạnh và ý chí của tuổi trẻ cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo trường đã giúp anh cùng nhóm học trò từng bước vượt qua và khẳng định mình khi nhóm đoạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vào năm 2015 với sản phẩm vi mạch mã hóa video VENGME H.264/AVC và Giải thưởng Khoa học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2010-2015 cho cụm công trình nghiên cứu về thiết kế vi mạch công suất thấp.

Nhóm nghiên cứu ngày càng lớn mạnh và đã trở thành Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2016. Hiện nay, Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh là một trong mười phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chuyện 10 năm gây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của PGS.TS Việt trở về từ Pháp - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Xuân Tú - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLab), Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chặng đường từ 2008-2021 có nhiều thăng - trầm, tuy nhiên với việc hình thành phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN, hoạt động của nhóm nghiên cứu đã đi vào giai đoạn ổn định và phát triển, khẳng định vị thế trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Nhóm nghiên cứu đã chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo khoa học tầm cỡ, uy tín và tạo dựng nhiều mối quan hệ hợp tác với các nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn đối với nhà khoa học xứ Nghệ.

Với định hướng phát triển trong thời gian tới, PGS.TS Trần Xuân Tú cho hay, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLab) đang và sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các nền tảng hệ thống trên chip thông minh ứng dụng cho mạng Internet kết nối vạn vật (IoT: Internet of Things).

Với định hướng này, nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến vấn đề công suất tiêu thụ, bảo mật thông tin và nền tảng cứng cho trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ tăng năng lực tính toán biên (edge computing)…

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công bước đầu nền tảng hệ thống trên chip dành cho IoT với tính năng bảo mật cao trong khuôn khổ đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KC.01-Chính phủ điện tử. Sản phẩm thiết kế cơ bản đã hoàn thiện, chạy thử nghiệm trên công nghệ FPGA và đang được đóng gói để gửi đi sản xuất để chế tạo vi mạch.

Chuyện 10 năm gây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của PGS.TS Việt trở về từ Pháp - Ảnh 2.

Một góc của Phòng thí nghiệmtrọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLab).

Gắn kết nghiên cứu với thị trường công nghệ

Theo PGS.TS Trần Xuân Tú, bên cạnh hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học luôn phải nuôi dưỡng trong mình một mơ ước đưa sản phẩm nghiên cứu - đứa con tinh thần của mình - vào ứng dụng thực tiễn thông qua thị trường công nghệ.

Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm ra thị trường công nghệ không dễ dàng và cần hội tụ rất nhiều yếu tố.

Một mặt, nhà khoa học phải chủ động tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm. Mặt khác, yếu tố nhu cầu thực sự của thị trường công nghệ đóng vai trò quyết định. Nói cách khác, các doanh nghiệp phải thực sự cần các công nghệ, các kết quả nghiên cứu mới.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ có nhìn nhận đúng về vai trò của nghiên cứu phát triển công nghệ và có quyết định đầu tư nhất định nhằm phát triển công nghệ phục vụ cho sự phát triển lâu dài của công ty.

Ngoài ra, vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua chính sách khoa học công nghệ cũng rất quan trọng. Nhà nước nên đầu tư mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu phát triển tại các trường đại học trên cơ sở khảo sát các nhu cầu công nghệ mới của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách để gắn kết hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Nhắc đến cản trở khiến hai bên nhóm nghiên cứu trong nhà trường và doanh nghiệp trong nước chưa được gặp nhau, PGS.TS Trần Xuân Tú cho biết khó khăn lớn nhất ở đây là khoảng cách giữa nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và vấn đề nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu quan tâm.

Theo PGS.TS Trần Xuân Tú, cần có chính sách, cơ chế đầu tư của Nhà nước để các nhóm nghiên cứu mạnh của các trường đại học có thể tập trung giải quyết các "bài toán tương lai" của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, anh cho rằng, nên tăng cường các hoạt động trao đổi giao lưu học thuật, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về phát triển công nghệ mới, thậm chí đẩy mạnh hơn việc hình thành các phòng thí nghiệm hợp tác nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Qua đó, có thể sử dụng chất xám của trường đại học nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Hoạt động nghiên cứu và đào tạo của trường đại học cũng sẽ bám sát nhu cầu thực tế phát triển của doanh nghiệp hơn.

Khó khăn lớn nhất là thu hút nhân tài

Từ thực tế xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, PGS.TS Trần Xuân Tú cho biết, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, thậm chí các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm nhiều hơn đến hoàn thiện chính sách để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn nhất định.

Anh cho rằng, khó khăn lớn nhất là làm sao quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao, có đam mê và tâm huyết với nghiên cứu. Bởi thực ra nghiên cứu không phải chuyện "một sớm một chiều", nó cần thời gian, cần sự bền bỉ và sự quyết tâm của nhiều phía.

Chúng ta cần xây dựng được một môi trường nghiên cứu mà ở đó nhà khoa học được tôn trọng, được tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng nghiên cứu của mình, để thăng hoa trong hoạt động nghiên cứu, để đắm mình vào đam mê khoa học.

Với những nỗ lực không ngừng, Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh hiện tại có trên 25 thành viên, trong đó có 5 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 3 nghiên cứu viên, 7 nghiên cứu sinh, còn lại là sinh viên giỏi, đam mê khoa học.

Chuyện 10 năm gây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của PGS.TS Việt trở về từ Pháp - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Xuân Tú (áo đỏ) và các học trò.

PGS.TS Trần Xuân Tú với tư cách trưởng nhóm - Giám đốc Phòng thí nghiệm luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để nhóm phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Anh cho rằng, để các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học phát triển cần đảm bảo nhiều yếu tố: "Việc đầu tiên là phải tổ chức môi trường nghiên cứu thân thiện, cởi mở, thúc đẩy sáng tạo mới đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người làm nghiên cứu.

Thứ hai, chúng ta phải tìm kiếm các đề tài, dự án để có thêm nguồn thu nhập cho cán bộ nghiên cứu, trả lương cho nghiên cứu sinh. Thứ ba, phải có mục tiêu cụ thể để làm sao mọi người trong nhóm đi chung trên một con đường, ai cũng cảm thấy mình làm điều có ích và làm việc có mục tiêu rõ ràng, có đóng góp cho tập thể chung…".

Ngoài ra, "các trường đại học cũng nên mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các nhóm nghiên cứu kèm sự hỗ trợ ban đầu mang tính đòn bẩy "seed funding"; đồng thời, các trường đại học cũng cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng môi trường học thuật tích cực trong khuôn viên trường đại học".

Chuyện 10 năm gây dựng nhóm nghiên cứu mạnh của PGS.TS Việt trở về từ Pháp - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Xuân Tú cho rằng, khó khăn lớn nhất trong xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh là làm sao quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao, có đam mê và tâm huyết với nghiên cứu.

Tài sản sở hữu trí tuệ nên được xử lý một cách thông minh

"Về hoạt động khoa học công nghệ, hiện nay các trường đại học đã quan tâm nhiều hơn về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, tuy nhiên tôi nghĩ, làm thế nào chúng ta có cơ chế để khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích một cách hiệu quả, có lợi cho đất nước".

Hiện nay, vấn đề định giá tài sản sở hữu trí tuệ đang là vấn đề khiến nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lúng túng. Nếu chúng ta xem đầu tư của Nhà nước có thể xem là nguồn đầu tư rủi ro, cộng đồng hay xã hội hưởng thành quả, còn sở hữu thuộc về trường đại học và nhà khoa học thì như vậy trường đại học có thể toàn quyền định giá sở hữu trí tuệ chúng ta tạo ra và có cơ chế phân bổ hợp lý nguồn thu để khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo.

"Xét cho cùng, tài sản trí tuệ ấy nếu không được áp dụng sẽ không mang lại hiệu quả. Nếu được áp dụng sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng", PGS.TS Trần Xuân Tú bày tỏ.

"Nên coi đầu tư cho nghiên cứu khoa học là một loại đầu tư rủi ro"

Trao đổi với PV Dân trí, PGS Vũ Văn Tích - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Trường ĐH ĐHQGHN cho hay: Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay đã thành lập hơn 100 nhóm nghiên cứu, trong đó có 27 nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhóm nghiên cứu mạnh có rất nhiều lợi ích thiết thực như liên kết với các nhóm nghiên cứu khác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo mới. Đi cùng với đó là các sản phẩm công nghệ đỉnh cao, có thể triển khai ứng dụng được.

"Trong năm nay, ĐHQGHN muốn phát triển các nhóm nghiên cứu tương đối đầy đủ hơn. Hoạt động KH-CN trong trường Đại học sẽ có: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu sản xuất thực nghiệm và thương mại hóa.

Tới đây, chúng tôi sẽ phát triển nhiều nhóm nghiên cứu gắn với sản xuất thực nghiệm như vậy sẽ tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ gắn với thực tiễn và đi cùng với đó là các chương trình đào tạo dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh gắn với thực tiễn cuộc sống".

"Chúng tôi kiến nghị với Bộ GD-ĐT kết hợp với Bộ KH-CN đầu tư theo hướng như vậy. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng đang có chính sách và muốn chính sách đó đi vào thực tiễn thông qua hai Bộ. Chúng tôi biết cả hai Bộ đều rất quan tâm đầu tư cho các nhóm nghiên cứu.

Bây giờ, chúng ta sẽ tập trung đầu tư nhóm nghiên cứu thành hệ sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo. Từ đó, chúng ta có thể phát triển những nhóm nghiên cứu, chẳng hạn nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề đất nước đang gặp phải, nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long", PGS Vũ Văn Tích nói.

Ông cũng kiến nghị, Bộ GD-ĐT cùng Bộ KH-CN phải coi hoạt động nghiên cứu là một hoạt động đầu tư rủi ro. Thế giới có chương trình đầu tư khác nhau, trong đó có chương trình đầu tư thiên thần hay còn gọi là đầu tư chấp nhận rủi ro: "Với các nhóm nghiên cứu, chúng ta phải chấp nhận rủi ro để có sản phẩm ban đầu, sau đó doanh nghiệp có thể triển khai hàng loạt. Chúng ta cần có những ưu tiên đặc biệt, rất đặc biệt cho nghiên cứu.

Muốn ưu tiên được thì tôi nghĩ phải có KPI cho các nhóm khác nhau. Có nghĩa là chúng ta phải xem xét càng ngành kinh tế - xã hội Việt Nam cần những nhóm nghiên cứu gì và nhóm nghiên cứu giải quyết được vấn đề gì để chúng ta đưa ra chỉ tiêu. Nếu nhóm nào đạt được sẽ được đầu tư.

Chúng ta đầu tư "vun cao" để nhóm nghiên cứu không chỉ dừng lại ở nhóm nghiên cứu mà thực sự trở thành một doanh nghiệp khoa học công nghệ hay thành một tập đoàn khoa học - công nghệ".


Lệ Thu (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem