Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM: Nhiều thời cơ và không ít thách thức
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM: Nhiều thời cơ và không ít thách thức
Việt Dũng
Thứ sáu, ngày 05/04/2024 13:04 PM (GMT+7)
Khi nhận diện và tận dụng tốt các thời cơ, điểm mạnh; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM sẽ khắc phục các điểm yếu, hướng đến phát triển bền vững.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều thuận lợi
Đánh giá về thực trạng phát triển nông nghiệp, và việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời gian qua, UBND Thành phố cho biết, TP.HCM có hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng (ngọt - mặn - lợ) cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư khá hoàn chỉnh.
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp đô thị đa canh theo xu thế đô thị thông minh.
Hiện quỹ đất nông nghiệp còn lớn, phong phú về nhóm đất và loại đất, có vùng bãi bồi ven biển và cửa sông lớn, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi.
TP.HCM có lợi thế để phát triển thị trường hàng hóa với hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng. Thành phố cũng là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quôc tế, là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi giá trị nông sản của vùng và khu vực.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang đúng hướng, tỷ trọng các sản phâm chủ lực tăng, góp phần duy trì được tỷ trọng GRDP của ngành và tốc độ tăng trưởng toàn ngành ở mức khá.
Theo Chi Cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT), Thành phố triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó một số chính sách đã tạo được sự chuyển biến tích cực như chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách phát triển công nghệ sinh học và công nghệ cao, chính sách cơ giới hóa và chính sách phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất tiêu thụ.
Chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân được tăng cường đổi mới. Đặc biệt Nghị quyết 98/2023/QH về thí điểm 6 chính sách đặc thù phát triển Thành phố từ ngày 1/8/2023 sẽ là cơ hội để nông nghiệp của Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đối diện nhiều thách thức
Quá trình đô thị hóa nhanh giúp thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và liên kết vùng. Thế nhưng, đô thị hóa nhanh cũng khiến đất nông nghiệp giảm sút. Địa bàn và điều kiện sản xuất nông nghiệp thay đổi, dẫn đến quy mô sản xuất giảm, hạn chế thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Cơ cấu nông nghiệp TP.HCM có chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp song còn chậm. Hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ vẫn là chủ yếu, chậm đổi mới theo tư duy kinh tế nông nghiệp.
Nhiều cá nhân, tập thể tham gia sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM cho rằng, cơ chế, chính sách và giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn còn một số bất cập về tiếp cận hỗ trợ lãi vay.
Lãnh đạo HTX Tuấn Ngọc ở TP.Thủ Đức đánh giá, việc tạm ngưng thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất của người dân.
Theo Sở NNPTNT, các mô hình nông nghiệp đô thị thành công còn ít và chậm nhân rộng. Số lượng giống mới và các thành tựu khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của Thành phố và các tỉnh.
Kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.
Ngoài những điểm yếu nêu trên, nhiều thách thức cũng đang đặt ra với nông nghiệp Thành phố. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn để liên kết vùng, tạo thành chuỗi giá trị là thách thức không nhỏ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Chuyến đổi mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng tạo ra thách thức lớn về tư duy và hành động trong hoạt động kinh tế nông nghiệp TP.HCM.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững.
UBND TP.HCM cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp cần được quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
TP.HCM đã đổi tên thành Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.