Gian nan con đường giảm nghèo ở Tả Lèng của Lai Châu, đang gỡ dần chuyện "vợ chồng trẻ con"

Tuấn Hùng Thứ sáu, ngày 17/03/2023 13:34 PM (GMT+7)
Vấn đề hủ tục tảo hôn (kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật) ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Cảnh "vợ chồng trẻ con, ăn chưa no, lo chưa tới" do hủ tục tảo hôn gây ra như là một nguyên nhân khiến con đường giảm nghèo gian nan hơn...
Bình luận 0

Clip: Các cấp chính quyền, đoàn thể ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng hủ tục tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Tỷ lệ cặp "vợ chồng trẻ con" đã giảm

Chia sẻ với Dân Việt, ông Giàng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Những năm qua, các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nhà nước đã từng bước "thay da đổi thịt" cho các bản vùng cao của xã Tả Lèng. 

Cùng với phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm đến vận động nhân dân hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa được gìn giữ, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Nhiều hộ gia đình ở Tả lèng đã phát triển kinh tế trang trại kết hợp việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hộ gia đình đạt hiệu quả cao, các giống cây trồng cho năng suất cao cũng giúp thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trước đây. Tính đến hết năm 2022 thu nhập bình quân của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,3%.

Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của đa số bà con người người dân đã có sự đổi thay, tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhưng tình trạng tảo hôn ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu chuyển biến chưa rõ nét.

Bài toán khó về tảo hôn, sinh con thứ 3 vùng đồng bào  dân tộc Mông ở Lai Châu - Ảnh 2.

Tả Lèng là xã thuần nông của huyện Tam Đường (Lai Châu). Tà Lèng có 100% bà con là đồng bào dân thiểu số, đời sống cồn khó khăn, vấn nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra, một phần do trình độ dân trí không đồng đều. Ảnh Tuấn Hùng

Trong năm 2022, xã Tả Lèng có 4 trường hợp tảo hôn, so với năm 2021 và những năm trước thì tình trạng này có giảm nhưng chưa nhiều.

Theo Phó Chủ tịch Giàng A Sình, những năm qua xã đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về những hệ lụy từ nạn tảo hôn. Có nhiều trường hợp xã nắm bắt được, đến vận động và kịp thời ngăn chặn.

Ngày thường, các cháu đi học, đến dịp nghỉ lễ, tết, các cháu được nghỉ học về nhà mới quen nhau rồi yêu đương dẫn đến bỏ học và tự ý về ở với nhau. Đa phần các cháu đều phải bỏ học để mưu sinh, do không có công ăn việc làm nên cuộc sống rất khó khăn, đây cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác giảm nghèo của địa phương.

Từng bước gỡ rối vòng luẩn quẩn của cái nghèo

Tả Lèng là xã vùng cao thuần nông thuộc huyện Tam Đường (Lai Châu), 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền về những hệ luỵ do tảo hôn và sinh nhiều con có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn.

Bài toán khó về tảo hôn, sinh con thứ 3 vùng đồng bào  dân tộc Mông ở Lai Châu - Ảnh 3.

Hàng năm, các cấp chính quyền xã đã lồng ghép tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về hệ luỵ khi tảo hôn, nhờ đó tỷ lệ này có giảm nhưng chưa rõ rệt. Ảnh Tuấn Hùng

Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể xã và các ban ngành liên quan từ tỉnh đến địa phương, ý thức của bà con đã từng bước được cải thiện, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, cháu Giàng Thị Sua, bản Thèn Pả, xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho hay: Năm nay cháu học lớp 8, nếu là những năm trước kia ở độ tuổi cháu, nhiều bạn đã bỏ học vì có con. 

Những năm gần đây, chúng cháu được nghe tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn, cháu muốn lan toả những hiểu biết đó cho các bạn trong bản để tránh những hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra.

Thực tế cho thấy, hàng năm để giảm tỷ lệ tảo hôn và sinh nhiều con trên địa bàn xã, chính quyền xã Tả Lèng đã chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình, nhận thức và phong tục của người dân địa phương.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, xã đã chỉ đạo các đoàn thể xã và các bản cùng phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công tác kế hoạch hóa gia đình để người dân hiểu và thực hiện.

Đặc biệt, tại mỗi bản trong quy ước, hương ước đều đưa nội dung xử phạt. Cán bộ dân số xã thường xuyên xuống các bản nắm bắt tình hình và tuyên truyền đến người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nên quyết định số con phù hợp để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng...

Bài toán khó về tảo hôn, sinh con thứ 3 vùng đồng bào  dân tộc Mông ở Lai Châu - Ảnh 4.

Nhờ sự vào cuộc của cả các cấp chính quyền, các thế hệ trẻ xã Tả Lèng, huyện Tam Đường đã nhận thức rõ hơn về tác hại, hệ luỵ của nạn tảo hôn. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm về các giải pháp giảm tình trạng tảo hôn và sinh nhiều con ở xã Tả Lèng, ông Giàng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi hiện đang tập trung huy động các nguồn lực giúp bà con phát triển kinh tế thông qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Lấy kinh tế làm nền tảng đẩy mạnh các lĩnh vực khác, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của bà con địa phương.

"Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con, xã đã chú trọng thực hiện nhiều hơn các buổi tuyên truyền về những hệ luỵ do tảo hôn và sinh nhiều con. Khi người dân đã hiểu thì nạn tảo hôn và sinh nhiều con để nối dõi và lấy lao động sẽ được giải quyết triệt để", ông Sình bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem