Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong mùa tuyển sinh 2023, ngành Luật là một trong những ngành học được nhiều thí sinh quan tâm hơn cả. Đây là ngành học "hot" với cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Ngành Luật sẽ được chia thành nhiều chuyên ngành với khối lượng kiến thức khác nhau. Một số chuyên ngành phổ biến phải kể đến như: Luật hành chính; Luật dân sự; Luật hình sự; Luật kinh tế; Luật quốc tế...
Theo chia sẻ từ Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, để học ngành Luật, sinh viên phải có các tố chất là thích đọc sách và khả năng ghi nhớ cao. Bên cạnh đó, bạn phải yêu thích sự tranh luận; Khả năng giải quyết vấn đề; Kiên trì và nhẫn nại; Khả năng đàm phán và kỹ năng lắng nghe, có tính "tấn công"; Có khả năng thuyết phục. Trong bối cảnh hội nhập trên mọi lĩnh vực, việc sở hữu năng lực ngoại ngữ tốt sẽ giúp các bạn dễ dàng thăng tiến trong công việc.
Vì vậy, trước khi quyết định chọn học, thí sinh cần xác định rõ những ưu, khuyết điểm cũng như khả năng và sở thích của bản thân có phù hợp với yêu cầu của ngành Luật hay không.
Để học ngành Luật, thí sinh có thể đăng ký tại các trường ở Hà Nội như: Trường Đại Học Luật Hà Nội; Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội; Trường Đại học Luật – Đại Học Quốc Gia Hà Nội; Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội; Trường Đại Học Thương Mại; Trường Đại Học Mở Hà Nội; Trường Đại Học Tài Chính Ngân Hàng Hà Nội; Trường Đại học Thủy lợi... Và ở TP.HCM với các trường như Trường Đại học Luật TP.HCM; Trường Đại Học Mở – TP.HCM; Trường Đại học Kinh Tế Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM; Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM; Trường Đại học Sài Gòn; Trường Đại Học Kinh Tế TP. HCM...
Thí sinh có thể theo các phương thức khác nhau như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực... Các tổ hợp môn xét tuyển là:
A00: Toán, Vật Lý, Hóa Học
A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh
C00: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý
D01: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh
D03: Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp
D05: Toán, Văn, Tiếng Đức
D06: Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật
D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh
D14: Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh
Những năm gần đây, điểm chuẩn nhóm ngành Luật luôn giữ ở mức khá cao. Một số trường có mức trên 28 điểm, nghĩa là thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm/môn mới có khả năng trúng tuyển.
Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) vừa công bố điểm chuẩn 2023 xét học bạ và xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ngành Luật Kinh tế vượt mốc 30 điểm. Năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội có mức điểm chuẩn ở các ngành đào tạo từ 19 đến 29,5 điểm với phương thức thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn cao nhất 29,5 ở tổ hợp C00 ngành Luật Kinh tế.
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022, lấy điểm chuẩn lên tới 28,25 điểm (khối C00). Các ngành còn lại như Luật chất lượng cao, Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế có mức điểm chuẩn cũng khá cao, dao động từ 24,7 - 25,7 điểm. Trường Đại học Luật TP.HCM nhiều năm gần đây cũng có mức điểm chuẩn luôn ở mức cao. Năm 2022, điểm chuẩn nhóm ngành Luật của trường cao nhất là 27,5 điểm.
Tuy nhiên, một số trường khác hoặc ở phân hiệu có mức điểm "dễ thở" hơn với mức trên dưới 20 điểm.
Ngành Luật đang có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm gần đây, mang đến cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này sau khi ra trường.
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho hay: "Sinh viên thường nghĩ rằng học ngành Luật ra trường chỉ làm Luật sư và làm việc trong các tòa án hoặc các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ngoài việc trở thành Luật sư ra chúng ta có thể công tác trong ngành công an hoặc làm việc trong các công ty Luật, tư vấn Luật, làm nhà báo...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thuỷ Lợi: "Trong những năm gần đây rất nhiều trường, học viện mở chuyên ngành Luật để đào tạo. Xu hướng sống và làm việc theo pháp luật đang thức tỉnh mọi ngành, mọi lĩnh vực cùng với quá trình hội nhập quốc tế khiến ngành này ngày càng hot. Trường Đại học Thuỷ Lợi cũng đã mở chuyên ngành Luật để đào tạo ngành Luật chung và Luật kinh tế thu hút lượng lớn giảng viên có trình độ cao. Nhiều chương trình liên kết với nước ngoài để đào tạo sau đại học, giới thiệu việc làm cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học. Năm học trước, điểm trúng tuyển khoa Luật của trường là 26 điểm.
Đối với nghề Luật sư, theo đề án phát triển Luật sư đến năm 2020 thì Việt Nam cần đến 20.000 luật sư, trong khi đó đến nay vẫn chưa đáp ứng được con số này. Chính vì thế, sinh viên Luật hiện nay ra trường sẽ không sợ thất nghiệp như sinh viên luật cách đây vài chục năm mà có thể làm được nhiều ngành nghề lĩnh vực, cánh cửa tương lai rộng mở.
Theo khảo sát, sinh viên ngành Luật ra trường giai đoạn hiện nay có thu nhập khá cao so với các ngành khác, trung bình thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng đối với lĩnh vực ngoài nhà nước, đối với lĩnh vực thuộc biên chế nhà nước thì sẽ theo thang bảng lương mà nhà nước quy định, trong khi đó những người năng động thì vẫn thể có thể kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Đối với các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế hoặc có khả năng tốt về ngoại ngữ thì có thể kiếm được việc làm ở các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và thu nhập tính theo tiền đô la mà quy đổi ra tiền Việt cũng sẽ được khoảng 20-40 triệu đồng/tháng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.