Cô trò vùng cao lo lắng vì lớp học nằm treo leo dưới chân núi có nguy cơ sạt lở -Điểm trường Nà Vài
Cô trò vùng cao lo lắng vì lớp học nằm cheo leo dưới chân núi có nguy cơ sạt lở
Nguyệt Minh
Thứ năm, ngày 06/06/2024 06:00 AM (GMT+7)
Phải học tại lớp học nằm ngay dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao, bao năm nay, cô trò Điểm trường Nà Vài (Trường Mầm non Thành Công) vẫn đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập khi không có lớp học thay thế.
Khác với sự hùng vĩ của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Thành Công (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), cuộc sống của người dân nơi đây và đặc biệt là các em nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.
Lớp học nhờ dưới chân núi
Sau chuyến hành trình dài gần 6 tiếng từ Hà Nội, đoàn chúng tôi đã đặt chân đến mảnh đất Thành Công đẹp đẽ và hùng vĩ. Tiếp đoàn là cô Hà Hồng Lan trong bộ quần áo giản dị. Cô đã chờ đợi chúng tôi từ nhiều ngày trước đó, khi biết đoàn có chuyến đi khảo sát những trường học đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất trên địa bàn.
Cô Hà Hồng Lan - Hiệu Trưởng Trường Mầm non Thành Công, là một cô giáo đầy tâm huyết với nghề. Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, cô Loan cho biết Trường Mầm non Thành Công hiện tại có 183 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Dao, Tày, Nùng. Bên cạnh trường chính, trường còn có 7 điểm lẻ nằm rải rác ở các bản làng của xã.
Đoàn chúng tôi cùng cô Lan đến thăm Điểm trường Nà Vài, điểm khó khăn nhất của trường. Thật bất ngờ khi lớp học cũ kĩ trước mắt lại đang là nơi dạy và học của cô trò nơi đây. “Do trường không có điều kiện, nên dù điểm Nà Vài có số lượng học sinh rất lớn là 56 em, cần phải sử dụng 2 lớp học, nhưng chúng tôi mới chỉ có 1 phòng đảm bảo. 1 phòng còn lại phải học ở phòng học cũ đã xuống cấp trầm trọng gần tiểu học" - cô Lan chia sẻ.
Đáng chú ý, cô Lan cho biết lớp học nằm ở khu vực chân núi, có nguy cơ sạt lở cao. Học sinh của trường tiểu học đã được di chuyển đến địa điểm khác an toàn hơn. Bên cạnh phòng học đang được cô trò mầm non sử dụng, những dãy nhà còn lại gần như bị bỏ hoang.
Trực tiếp giảng dạy tại lớp học cũ, cô Đàm Thị Thanh luôn lo lắng: “Những ngày trời nắng thì không sao, nhưng những ngày trời mưa, chúng tôi rất sợ vì nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào. Nhưng không còn cách nào khác chúng tôi không thể để các em không đến trường".
Tận mắt nhìn thấy lớp học cũ kỹ đã xây dựng gần 20 năm, được bao phủ bởi lớp rêu phong cũ kĩ, phần trần nhà đã bị thủng nhiều chỗ, không có khu vực sân chơi, chúng tôi mới mới hiểu về những khó khăn của các em học sinh vùng cao. Không chỉ chịu thiệt thòi từ trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả con đường đến trường của các em cũng gặp nhiều gian nan.
Ước mong có một điểm trường không còn những lo lắng
Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết, xã có địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc cao, đường đi lại khó khăn khiến nền kinh tế khó phát triển. Tại xã, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, các ngành tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Xã có 3.176 nhân khẩu bao gồm Tày, Nùng, Dao, Kinh. Trong đó, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã lên đến 81%.
Di chuyển khoảng 3km, đoàn khảo sát đến được lớp học còn lại của điểm trường. Mặc dù được xây dựng ở vị trí đảm bảo hơn, không phải lo lắng về nguy cơ sạt lở, thế nhưng ở đây vẫn còn nhiều thiếu thốn. Ngoài một phòng học đang được sử dụng, nơi đây thiếu từ nhà bếp, nhà vệ sinh đến khu vực sân chơi.
“Khu vực bếp của trường được dựng tạm bằng những tấm ván mỏng, lợp mái lá, phía bên trong có bếp củi đơn sơ. Việc thiếu nhà vệ sinh khiến hằng ngày, cả cô và trò đều phải dùng nhờ nhà vệ sinh của trường tiểu học. " - Cô Lan tâm sự.
Chia sẻ với đoàn, cô Lan cho biết đối với việc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non, khu vực sân chơi có ý nghĩa rất quan trọng. Sân chơi góp phần giúp các em có sự phát triển toàn diện cả về tư duy và thể chất. Tuy nhiên, các em nhỏ tại đây chỉ có thể vui chơi phía trong lớp học nhỏ.
Khu vực nhà bếp đơn sơ, chỉ được ghép tạm bằng những tấm ván gỗ mỏng, phía bên trong là bếp củi. Ảnh: Nguyệt Minh
Cùng với đó, việc 2 lớp học cách nhau gần 3km, trong đó cả 2 lớp đều phải ghép các em học sinh từ 2 đến 5 tuổi đã gây khó khăn trong việc quản lý, dạy học của giáo viên tại điểm trường.
Nhìn các em học sinh và giáo viên tại Điểm trường Nà Vài phải dạy và học trong môi trường vừa nguy hiểm, thiếu thốn, cô Lan đau đáu. Ước mơ lớn nhất của cô là có một điểm trường khang trang, kiên cố hơn để các bạn nhỏ được phát triển toàn diện.
“Tôi ước mong cả 2 lớp học được gộp về một địa điểm, với cơ sở vật chất đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn dạy học. Thế nhưng, kinh tế tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi hiện tại chưa được hỗ trợ để xây dựng “Điểm trường mơ ước" này"” - Cô Lan giãi bày.
Bà Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch xã Thành Công bày tỏ: “Địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn chế nên chúng tôi chưa thể chủ động xây dựng điểm trường mới. Tôi rất mong cô trò Điểm trường Nà Vài nói riêng, người dân xã Thành Công nói chung thông qua sự kết nối của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trên cả nước".
Dự kiến, Điểm trường Nà Vài sẽ được xây dựng mới với 2 lớp học, 1 nhà vệ sinh, 1 sân chơi. Khu vực phòng học trước đây sẽ được cải tạo thành nhà bếp và nhà ăn. Ước tính, tổng giá trị toàn bộ công trình lên đến 800.000.000 đồng. Báo NTNN/Điện tử Dân Việt kêu gọi những tấm lòng vàng trên cả nước cùng chung tay, góp sức để có hiện thực hóa ước mơ của cô trò Điểm trường Nà Vài.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.