Con rươi xuất lộ ngoài đồng, cả làng ở Thái Bình ra vớt bán, làm thứ chả đi qua mùi thơm lắm rồi?
Con gì xuất lộ ngoài đồng, cả làng ở Thái Bình ra vớt bán, làm ra thứ chả đi qua mùi thơm lắm rồi?
Nguyễn Lan (thaibinhhote.vn)
Thứ năm, ngày 28/12/2023 05:11 AM (GMT+7)
“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, đó là mùa rươi ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Con rươi chỉ xuất hiện có vài lần trong một năm mà mỗi lần chỉ có vài ngày là hết.
Rươi là món ăn quý nhưng không kiểu cách, sang trọng như nem công chả phượng mà quý bởi người ta ít khi được thưởng thức một món lạ như thế…
Con rươi đặc sản vớt ngoài đồng về làm chả rươi thành món ngon thượng hạng, giàu đạm, tốt cho sức khỏe...
Nắng mưa là chuyện của trời. Quả thật, khi trời vào thu thời tiết đỏng đảnh như một cô con gái đến tuổi cập kê. Đang nắng đẹp trời bỗng đổ mưa, cái lạnh tràn về như đông sắp sang.
Ấy thế nhưng chỉ một hai hôm là cùng, trời lại nắng lên đem theo cái hanh hao của mùa thu, mùa rươi lại về!
Mùa rươi rất ngắn ngủi, mỗi năm xuất hiện một lần vào cuối tháng Chín đầu tháng Mười âm lịch.
Con rươi có nhiều ở các vùng nước lợ ven cửa sông các tỉnh Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng.
Cách rươi xuất hiện cũng rất lạ lùng, thất thường, khi có khi không, kể cả những người dân địa phương đã từng vớt rươi hàng chục năm cũng không sao lý giải được.
Hàng năm, cứ đến thời điểm cuối thu, đầu đông, khi những cơn gió mang cái lạnh se se thổi về, người dân ở một số vùng cửa sông đồng bằng Bắc bộ, (trong đó có xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) lại đón chờ mùa rươi, ra đồng vớt con rươi.
Có khi đến ngày con rươi nổi mà chờ hoài vẫn không thấy, vậy mà khi rươi xuất hiện, nếu không nhanh tay vớt, chỉ vài giờ là chúng biến mất tăm, không để lại “dấu vết” gì.
Rươi quý hiếm là vì vậy. Nhìn hình dáng rươi, không ít người cảm thấy sợ, thế nhưng khi được chế biến, lại trở thành món đặc sản thơm ngậy, ăn rồi nhớ mãi.
Hồng Tiến là xã thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) với 6 thôn, trên 6.000 khẩu. Ðặc thù nhất ở Hồng Tiến là có nghề đánh bắt thủy hải sản truyền thống ở làng chài Cao Bình.
Vài năm trở lại đây rươi rất hiếm là do các lái buôn Trung Quốc thu mua số lượng lớn.
Những người dân trong tỉnh muốn mua được rươi cũng phải đi các chợ lớn và đi sớm,có nhiều người” mê” rươi còn mua về bảo quản đông lạnh bởi rươi không phải ngày nào cũng có.
Về xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) thời điểm mùa rươi, thấy bà con đang rộn ràng thu hoạch con rươi. Trước đây rươi thu hoạch được bao nhiêu là bán hết ra thị trường bấy nhiêu, nhưng ngày nay do nhu cầu thưởng thức của người Việt rươi đã được vận chuyển đi nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Con rươi trông gần giống một con đỉa lai con rết bởi vì cái thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân của nó. Khi sống rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh tanh đến khó chịu.
Thế mà lạ thật, cái con vật xấu xí “đáng sợ” ấy khi đã qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ lại trở thành “đặc sản” thơm ngon khó quên.
Rươi mua về, để trở thành món ngon phải qua nhiều khâu quan trọng, nhất là lúc làm lông. Để rươi sạch, hết mùi tanh người ta phải dùng nước nóng đun sôi, đổ rươi vào khuấy đều, nhặt sạch rác rồi rửa lại nhiều lần cho thật sạch.
Khi rươi đã ráo nước là có thể chế biến. Thường thì ta vẫn quen thưởng thức mấy món chính là chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi kho và rươi đúc với trứng. Món rươi hấp có vị thanh vì không dùng mỡ để trộn, món rươi kho đậm đà, kiểu cách.
Nhưng có lẽ món chả rươi thơm nức mũi vẫn được người ta ưu ái hơn cả. Rươi sau khi làm sạch sẽ được trộn với thịt băm, trứng, thì là, thêm vài lát vỏ quýt băm nhỏ rồi cho lên rán vàng. Món rươi phải ăn lúc nóng đến bỏng lưỡi, kèm theo ít hạt tiêu, rau cũng đủ chiều lòng những ai “khó tính”.
Con rươi được chế biến nhiều món ngon khác nhau, mỗi món đều có sự hấp dẫn riêng nhờ tài chế biến trong việc kết hợp các loại gia vị của các bà nội trợ.
Nhưng con rươi ăn kiểu gì cũng không được thiếu vỏ quýt (trần bì). Mùa rươi cũng là mùa quýt. Hai thứ ấy bén duyên nhau khăng khít lắm. Vỏ quýt thơm hăng hăng dễ chịu làm dậy lên mùi thơm của rươi, mất đi cái độc của con rươi.
Một thứ dân dã đồng quê, một thứ đặc sắc dưới nước cùng kết hợp tạo nên khúc biến tấu tuyệt vời trong văn hóa ẩm thực.
Thiếu đi vỏ quýt, món rươi cũng giống như một bông hoa đẹp không hương, một người đàn bà đẹp vô duyên, nhạt nhẽo vô cùng.
Và món rươi nếu thiếu đi vị cay cũng làm cho món ăn trở nên hụt hẫng. Ớt chính là chất xúc tác đẩy hương vị rươi nổi lên một cách độc đáo, làm cho món rươi đạt đến sự tinh tế nhất có thể, ngọt, béo đủ vừa, ngạt ngào ý nhị.
Chẳng biết từ lúc nào, rươi gắn với văn hóa ẩm thực của người dân trong tỉnh, trở thành ẩm thực bình dân tinh tế, đậm đà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.