Con vật nhai mất nhiều củ sâm Ngọc Linh của nông dân Quảng Nam là loài gì?

Thứ ba, ngày 08/03/2022 19:18 PM (GMT+7)
Nhiều người trồng sâm ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đang lo lắng vì chuột và nhiều loại bệnh xuất hiện thường xuyên, gây hại trên cây sâm Ngọc Linh, nhưng biện pháp phòng trừ gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Thuê môi trường rừng tại xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) trồng sâm Ngọc Linh hơn 3 năm qua, anh Đ.V.N. (trú Tam Kỳ) đang lo lắng vì gần đây, chuột thường xuyên gây hại.

Lên thăm vườn sâm đợt vừa qua, anh N. xót xa đi từng luống gom những cây sâm 3 năm tuổi bị chuột cắn phá. Nhiều cây bị chuột cắn ngang phần thân, cành lá héo rũ. Một số cây bị chuột đào bới trốc gốc, nhai luôn cả củ.

Con vật nhai mất nhiều củ sâm Ngọc Linh của nông dân Quảng Nam là loài gì? - Ảnh 1.

Một cây sâm ở vườn anh N (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) bị chuột cắn mất củ. Ảnh: H.QUANG

Đợt này có tổng cộng 40 cây sâm trị giá khoảng 60 triệu đồng bị chuột cắn phá. Anh cho biết, đến nay có tổng cộng 100 cây sâm trong vườn do chuột gây hư hại.

Để ngăn ngừa chuột gây hại, anh N. vây tấm nhựa xung quanh từng luống sâm, rào chắn lưới cẩn thận, đặt bẫy xung quanh... nhưng chưa phát huy hiệu quả.

Anh nói: “Chuột ở đây không dễ trị, chúng leo từ cây rừng xuống chứ không phải dưới đất chui lên. Loại vật này ở trên núi chuyên ăn loại cây có củ rễ nhỏ như sâm Ngọc Linh nên nó rất khôn, nghe tiếng người là núp bóng, lựa lúc ban đêm yên tĩnh mới mò ra cắn phá. Chúng tôi thuê thêm người canh giữ nhưng không ngăn nổi, mình không thể ăn trực luôn tại luống sâm”.

 Một rủi ro khác, cũng là điều đáng lo của người trồng sâm là dịch bệnh. Rỉ sắt và lở cổ rễ là hai loại bệnh thường gặp trên cây sâm Ngọc Linh, nhưng việc chữa trị hiện rất khó khăn…

Bệnh hại xuất hiện trên cả cây sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi và trên cây giống đang gieo ươm trước khi trồng. Theo những người trồng sâm Ngọc Linh, ở cây nhiều năm tuổi trước khi chết, lá cây đang xanh dần ngả vàng rồi lụi dần. Còn trên những cây sâm trong giai đoạn gieo ươm, có tình trạng cây bị nhũn lá, nhũn thân rồi chết hàng loạt.

Theo anh Bùi Xuân Lệnh, một người trồng sâm ở thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My), việc chữa trị bệnh trên cây sâm Ngọc Linh rất khó khăn và mỗi người làm mỗi kiểu, chủ yếu là phun các loại thuốc sinh học.

“Nhiều loại bệnh lắm, nếu sâm mà không bệnh thì người trồng sâm dễ làm giàu vì số lượng cây trưởng thành nhiều hơn. Có nhiều cách để trị bệnh, tôi thì chủ yếu trộn một loại phân có tác dụng diệt vi sinh gây hại vào đất quanh gốc sâm để phòng trừ” - anh Lệnh nói.

 Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, dịch bệnh cũng thường xuyên phát sinh gây hại đối với cây sâm giống 1 năm tuổi trong vườn ươm của đơn vị.

Trong năm 2021, vườn sâm giống gốc tại Trạm Dược liệu Trà Linh nói riêng và hầu hết các vườn sâm của người dân đều bị chuột gây hại mạnh, cắn phá hạt sâm gây thiệt hại đáng kể đến sản lượng hạt giống. Qua đánh giá vườn sâm tại trạm dược liệu, lượng hạt thiệt hại do chuột cắn phá khoảng 20 - 25%.

Ông Bằng cho biết: “Thời tiết cực đoan cũng tác động không nhỏ đến tình hình sinh trưởng và phát triển của cây sâm hiện nay và trong thời gian đến cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định; nhất là mùa nắng nóng, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, lượng mưa ít; mùa mưa ảnh hưởng của bão với cường độ và lượng mưa ngày càng phức tạp; tình hình sạt lở đất diễn biến bất thường nên công tác dự báo và phòng tránh gặp khó khăn”.

Hà Quang (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem