Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 16/10/2024 10:05 AM (GMT+7)
Nhờ triển khai thực hiện các chính sách, các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Sau 5 năm thực hiện "Quyết tâm thư", tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện.
Bình luận 0

Chuyển biến từ công tác dân tộc

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 4.859,4 km2; dân số khoảng 326.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%, gồm các dân tộc: Tày, Nùng; Mông, Dao, Sán Chay; Hoa; Kinh.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 1.

Lớp tập huấn cho Người có uy tín của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Toàn tỉnh Bắc Kạn có 7 huyện và 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn và 1.292 thôn, tổ dân phố; 100% các xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 66 xã khu vực III, 02 xã khu vực II, 40 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc tại Bắc Kạn đã tạo nên nhiều chuyển biến trên cơ sở các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững - Chương trình 135; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)…

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 2.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: TP

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, thông qua việc đầu tư từ các chương trình, dự án xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp các chính sách cho người dân, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Bắc Kạn.

"Cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng mới và cải tạo, từng bước hoàn thiện; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên góp phần quan trọng vào kết quả công tác giảm nghèo.

Giai đoạn 2019 - 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh song tỉnh Bắc Kạn đã huy động mọi nguồn lực, tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Vì đó mà kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng ổn định, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện", bà Phương nhấn mạnh.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 3.

Diện mạo mới của trung tâm huyện Pác Nặm - huyện 30A, 135 của tỉnh Bắc Kạn, Ảnh: Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện Pác Nặm.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn nhận định, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2024 của tỉnh Bắc Kạn đạt 5,5%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt 3,9%; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 7,6%; khu vực dịch vụ đạt 5,8%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 50,3 triệu đồng (tăng 16 triệu so với năm 2019).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực dịch vụ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng trưởng chung của tỉnh.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 4.

Trồng bí xanh thơm tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Phương cho biết thêm, đến hết năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 18%; khu vực dịch vụ chiếm 53,%. Kết quả thu ngân sách trong giai đoạn đạt khá và vượt dự toán hàng năm, đảm bảo theo lộ trình đề ra, năm 2023 thu đạt 928 tỷ đồng vượt 12% (tăng 230 tỷ đồng so với năm 2020).

Giai đoạn 2019 - 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, các Chương trình MTQG, chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới...

Nền tảng làm nên thắng lợi

Để có được những những kết quả trên, trước tiên nhờ thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ III năm 2019. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng lên.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 5.

Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn khi nhận định về vai trò của công tác dân tộc đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng.

Thu nhập bình quân đầu người tăng 16 triệu đồng/người/năm so với năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm trên 3,48%/năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ III cơ bản hoàn thành.

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai, thực hiện. Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn. Các chương trình, chính sách dân tộc, trọng tâm là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 6.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Dao xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia). Ảnh: Chiến Hoàng.

Việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng. Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận nhanh với các thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 7.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản xuất trà hoa vàng tại Công ty TNHH Hà Diệp (TP. Bắc Kạn). Ảnh: Chiến Hoàng.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhất là vùng dân tộc, miền núi được củng cố vững chắc; công tác đào tạo, bồi dư­ỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ ng­­ười dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Kạn.

Bà Thanh nhận định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là vấn đề trọng yếu, cấp bách, lâu dài và là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 8.

Hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP Bí xanh thơm của các nông dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trong Ngày hội Bí xanh thơm Ba bể. Ảnh Chiến Hoàng.

Thông qua thực hiện các chương trình, đề án, chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện. Các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện, bởi đó mà đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Công tác dân tộc góp phần quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh Bắc Kạn - Ảnh 9.

Không gian văn hóa múa sạp tại Chợ đêm ATK Chợ Đồn trong đêm khai mạc Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Kạn lần thứ II, năm 2023. Ảnh Việt Bắc.

"Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 29/3/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ.

Các địa phương, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách dân tộc trên địa bàn; tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển đổi hình thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nhất là giao thông, điện, thủy lợi…

Cùng với đó, kịp thời kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem