Đồng Nai: Tai nạn lao động tăng đột biến, 19 người chết

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 16/07/2024 12:16 PM (GMT+7)
Nhiều dự án hạ tầng ở Đồng Nai chưa thể bố trí tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất; tỷ lệ giới thiệu và tuyển dụng lao động đạt thấp, các vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao... Đặc biệt, tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm đột biến, tăng 14 vụ, 19 người chết.
Bình luận 0

Đây là những vấn đề thiết thân đời sống người dân Đồng Nai mà các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đặt ra tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai, khai mạc ngày 16/7.

Còn nợ tái định cư, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện

Trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn của huyện Long Thành có tổng số 144 hội viên nông dân bị ảnh hưởng từ dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đi qua địa bàn. Trong đó có 104 hộ bị ảnh hưởng một phần diện tích, 40 hộ bị giải toả hoàn toàn.

Bà Ngô Tăng Như Xuyến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái (huyện Long Thành) cho biết, đa số các hộ hội viên dân nằm trong dự án đều chấp hành chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên các hộ dân kiến nghị giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất thực tế. 

"Sau khi di dời, chính quyền phải kịp thời bố trí tái định cư để người dân xây nhà ở ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp", bà Xuyến nói.

Khai mạc kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 16/7. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 16/7. Ảnh: Nguyên Vỹ

Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tổ trước Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, khó khăn hiện nay tập trung ở việc thẩm định hồ sơ còn chậm, chưa chuẩn bị được khu tái định cư.

Việc thực hiện bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh hầu như chưa thể bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất theo quy định. Điều này dẫn đến tình trạng nợ tái định cư, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, do phần lớn nhiều hộ có đơn khiếu nại về giá đền bù, về chính sách tái định cư, chi phí hạ tầng tái định cư và việc hỗ trợ chuyển đổi vị trị việc làm.

Một dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Một dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về nhà ở xã hội ở Đồng Nai đạt rất thấp. So sánh với các địa phương lân cận, tỉnh còn hạn chế nhiều.

Theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó đến năm 2025, Đồng Nai sẽ có 10.000 căn nhà ở xã hội phục vụ người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên theo báo cáo, dự kiến trong năm 2024 hoàn thành 715 căn nhà ở xã hội, năm 2025 phải xây thêm 8.340 căn nhà ở xã hội. Như vậy, theo phân bổ hàng năm thì chỉ tiêu về nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra.

Kết quả chuyển đổi số sau 2 năm thực hiện cũng đạt chậm, chưa đạt mục tiêu số hóa toàn tỉnh. Thậm chí có nơi như huyện Tân Phú đầu tư cho chuyển đổi số gần như bằng không.

Ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động tăng cao

Trong lĩnh vực lao động việc làm, báo cáo của HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm khoảng 62.000 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Đến nay Trung tâm Giới thiệu việc làm mới giới thiệu và tuyển dụng được 30%.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Đồng Nai. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo dự báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khoảng 80% nhu cầu là lao động phổ thông. Điều này cũng cho thấy tình trạng nguồn nhân lực có chất xám của tỉnh Đồng Nai còn thấp so các địa phương khác.

Tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm đột biến, tăng 14 vụ, 19 người chết. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động.

Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị ngành lao động phối hợp tăng cường công tác thanh - kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm cũng như đảm bảo quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn lao động.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có trường hợp một số người kinh doanh buôn bán vì lợi nhuận mà quên đi đạo đức nghề nghiệp, buôn bán sản phẩm không đảm bảo. Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, vấn đề này có trách nhiệm của từng địa phương.

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm ở TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh CDC Đồng Nai

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm ở TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai

Thống kê từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Nai xảy ra 3 vụ ngộ độc, trong đó có 1 ca tử vong. 

Luật An toàn thực phẩm có những quy định rất chặt. Tuy nhiên thực tế, việc tiếp cận thông tin cơ sở đăng ký còn hạn chế; khi sự việc xảy ra thì không xác định được chủ cơ sở thuộc loại hình nào, cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm còn do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được chú trọng.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị giải quyết. Trong đó, cử tri các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc đề nghị đầu tư nâng cấp, đấu nối đường ống nước đô thị đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các cử tri ở huyện Thống Nhất, Định Quán thì đề nghị đầu tư trang thiết bị cần thiết cho các trung tâm y tế huyện, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, hạn chế chuyển lên tuyến trên... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem