Cuối năm doanh nghiệp trả lương cao, vẫn khó tuyển dụng lao động

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 26/11/2021 06:11 AM (GMT+7)
Mặc dù đã bỏ ra một mức lương khá cao nhưng nhiều công ty vẫn không tuyển dụng được lao động, nhất là lao động cấp trung và cấp cao. Lý do là bởi thời điểm cuối năm, lao động thường có tâm lý ngại "nhảy việc".
Bình luận 0


Nhiều vị trí tuyển dụng lương từ 15 đến 30 triệu đồng

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động. 

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết đây là phiên giao dịch việc làm thứ 2 trong tháng. Phiên giao dịch hôm này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với gần 80 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 10.000 chỉ tiêu việc làm.

phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội

Hoạt động tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm được duy trì trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Ảnh: N.T

Riêng tại Hà Nội có 30 doanh nghiệp tham gia trên 15 điểm điểm sàn việc làm đồng bộ, với trên 1.000 vị trí tuyển dụng nhằm hỗ trợ cho người lao động có sự lựa chọn nhiều hơn.

“Phiên giao dịch việc làm là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động trong hoạt động kết nối để phục hồi sản xuất, kinh doanh đặc biệt vào tháng cuối năm. Phiên giao dịch tạo nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm đa dạng không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác sau thời gian dịch bùng phát cho lao động, tăng cơ hội tuyển dụng cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Tại sàn Hà Nội, mức thu nhập được các doanh nghiệp chi trả 10 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 27,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những nhân sự chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu được áp lực công việc cao.

Mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng chiếm 32,1%, là mức của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức 5 – 7 triệu đồng chiếm 22%, đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.

Còn lại là mức do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Anh Nguyễn Trọng Đạo (32 tuổi) ở Quốc Oai, Hà Nội từng là lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên anh Đạo phải về nước.

Hiện nay anh Đạo vẫn đang tìm kiếm việc làm. Mong muốn của anh là tìm được công việc kỹ thuật, đóng gói, sản xuất chế tạo, vận chuyển, CNC... với mức lương từ 15-18 triệu đồng.

Sáng nay anh Nguyễn Trọng Đạo cũng có nộp hồ sơ xin việc tại Công ty CP Việt Chuẩn và đang chờ kết quả từ nhà tuyển dụng.

"Nhiều ngành nghề theo quan sát của chúng tôi sẽ có xu hướng tuyển dụng tăng là thương mại dịch vụ, tập trung vào nhóm ngành bán buôn bán lẻ, kinh doanh, vận tải, giao nhận hàng, và các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động thương mại phục vụ dịp Tết. Bên cạnh đó là các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử...".

Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Chi lương "khủng" vẫn chưa tuyển được lao động

Ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy (Công ty Cổ phần Thế hệ mới) cho biết, doanh nghiệp này hiện có nhu cầu tuyển dụng hai vị trí là chuyên viên marketing và giám đốc marketing. Trong đó, đối với vị trí chuyên viên yêu cầu 3 năm kinh nghiệm trở lên, với mức lương lao động từ 20 – 25 triệu đồng, có thể mở rộng thêm, còn với vị trí giám đốc marketing ít nhất có 5 năm kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng nhanh, mức lương từ 40 – 60 triệu đồng.

Ông Tuấn Anh cho biết thực tế mức lương trên so với thời điểm trước dịch của công ty cũng không tăng nhưng so với mức sàn chung trên thị trường là khá tốt.

"Dù vậy, tuyển dụng thời điểm này khá khó khăn do thời điểm này dịch bệnh, cộng thêm cận Tết lao động ngại 'nhảy việc'. Bên cạnh đó, trên thị trường, các vị trí nhân sự trung và cao cấp gần như không có thói quen 'nhảy việc', mà thường phải thông qua giới thiệu", ông Tuấn Anh nhìn nhận.

phiên giao dịch việc làm Hà Nội

Ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy phỏng vấn ứng viên. Ảnh: N.T

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, ngoài chế độ tiền lương, công ty cũng chi khá nhiều tiền cho các hoạt động, chăm sóc phúc lợi cho lao động. Ngoài Lương, công ty còn có tiền thưởng theo doanh số, thưởng lễ Tết. Hơn 63% công nhân viên công ty là lao động có thâm niên làm việc trên 15 năm. Hiện tại Công ty này đang có hơn 1.000 công nhân viên làm việc.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thuận Phát cũng đang cần tuyển dụng hàng chục vị trí nhân sự nhưng tới thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa tuyển dụng đủ.

Bà Vũ Thị Hạnh - Trưởng phòng Hành chính công ty Thuận Phát cho biết, công ty đang tuyển dụng 3 vị trí: Nhân viên kinh doanh; nhân viên lái xe; nhân viên phụ trách bếp ăn. Yêu cầu, công ty cần tuyển nhân viên có kinh nghiệm cơ bản. Mức lương cơ bản dao động từ 8- 10 triệu và thưởng theo doanh số.

"Thường với lao động ở vị trí kinh doanh, mức lương sẽ dao động trong khoảng từ 10-30 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, công ty cũng có nhiều hoạt động chăm lo thương thưởng Tết cho công nhân viên", Bà Hạnh nói.

Chia sẻ thông tin về thị trường lao động từ nay đến cuối năm trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Quang Thành cho rằng, với những chính sách về phòng, chống dịch linh hoạt, thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng với hoạt động tiêm chủng được triển khai trên diện rộng, tình hình sản xuất, phục hồi của thị trường lao động trên địa bàn đang có những nét khởi sắc. Tại tất cả các điểm sàn của trung tâm, số lượng giao dịch tìm việc, tuyển dụng đã tăng cao hơn quý I và quý II/2021.

Dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng. Đáng chú ý, ngoài tuyển lao động toàn thời gian, thời điểm này các doanh nghiệp cũng mở rộng tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ dịp Noel, Tết Dương dịch, Tết Nguyên đán và các hoạt động mua sắm cuối năm.

Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý phương án xấu nếu dịch bệnh bùng phát thì thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, theo ông Thành thị trường lao động vẫn cần chuẩn bị kịch bản với nhiều phương án linh hoạt để ứng phó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem