Theo đó, đoạn bờ biển nằm ở phía phía Đông (giáp với Biển Đông) của thành phố trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn dọc theo tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa có chiều dài khoảng 16 km được cấu tạo bởi thành phần là cát bở rời. Trong thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng xói lở xảy ra trên đoạn bờ biển.
Qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận có 6 khu vực bị xói lở, cụ thể: Khu vực bãi biển đối diện ngã ba đường Hồ Thấu với Võ Nguyên Giáp; khu vực bãi biển phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 đến nhà hàng Mỹ Hạnh; Khu vực bãi biển từ ngã ba Võ Văn Kiệt đến trước Khách sạn Grand Tourane; Khu vực bãi biển từ Bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; Khu vực bãi biển Ngã ba Võ Nguyên Giáp – Hoàng Kế Viêm (trước Khách sạn Holiday); Khu vực bãi tắm Sơn Thủy.
Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017 và 2018 và tiếp tục trong thời gian từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021.
Qua kết quả theo dõi, xác định xói lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, áp thấp nhiệt đới, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng.
Đến mùa khô thì bãi cát được bồi trở lại, đến khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm thì bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất. Do đó, bờ biển Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay tuy xuất hiện hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại hiện trường, tình trạng sạt lở bờ biển Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng, vết sạt lở goặm sâu vào bờ kè, một số đoạn diện tích sạt lở lớn, tạo nên những hố sâu và bóc tróc nhiều gạch lát phía trên bờ kè đường đi bộ của người dân. Tại các khu vực bị xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, để hạn chế tình trạng này, về lâu dài cần có đánh giá tổng thể, bảo đảm cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Trước mắt, Sở tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên, cập nhật số liệu về hiện tượng xâm thực bờ biển để kịp thời báo cáo UBND thành phố có các biện pháp xử lý thích hợp cho từng thời điểm cụ thể.
Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn và khoảng cách thích ứng với nước biển dâng, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ thành phố Đà Nẵng, bảo đảm hài hoà giữ phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai.
Hiện, lực lượng chức năng đã cắm biển khoanh vùng những vị trí sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.