Đặc sản Tây Bắc và chỉ có ở Tây Bắc: Lên rừng hái hoa ban đẹp mỏng manh chế thành món ăn dễ "gây nghiện"

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 08/03/2021 06:16 AM (GMT+7)
Hoa ban là 1 món ăn truyền thống của người Thái ở Tây Bắc, trong đó có người Thái tỉnh Sơn La. Các món ăn chế biến từ hoa ban là đặc sản Tây Bắc và chỉ có ở Tây Bắc bởi chỉ vùng đất này là "quê hương, bản quán" của loài hoa đẹp mong manh đến nao lòng.
Bình luận 0

Mỗi mùa hoa ban nở, cũng là lúc bà con dân tộc Thái vùng Tây Bắc lên đồi hái về làm thức ăn phục vụ gia đình. Không biết từ bao giờ, hoa ban đã trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách gần xa.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 1.

Mùa hoa ban nở, cũng là lúc người Thái vùng Tây Bắc lên rừng hái về để chế biến thành những món ăn ngon hấp dẫn.

Thường đến tháng 3 hoa ban mới nở rộ, nhưng có lẽ vì khí hậu thay đổi, giờ đầu tháng Chạp cũng có hoa ban khoe sắc. 

Mùa hoa ban bắt đầu nở, cũng là lúc bà con dân tộc Thái đã nghĩ đến việc tận dụng nguồn tài nguyên này làm thức ăn.

Ban trắng, ban đỏ, ban tím, lá ban non đều có thể làm món ăn thường ngày như: Hoa ban xào thịt lợn, nộm hoa ban củ riềng, hoa ban nộm vừng, mọc hoa ban...

Các món đặc sản Tây Bắc này đều được pha trộn gia vị của dân tộc Thái như mắc khén, tỏi, ớt, sả và các loại rau thơm.

Theo những cụ cao tuổi người Thái ở xã Phiêng Ban (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) món ăn làm từ hoa ban là một trong những món giải nhiệt, tiêu khát, mát gan, bổ phổi. 

Hoa ban có mùi thơm đặc trưng và vị bùi, chát nhẹ, khi kết hợp với măng đắng, rau cải hoặc các loại xương, thịt… sẽ tạo ra những ấn tượng vị giác rất khó quên.

Chia sẻ với DANVIET.VN, cụ Vì Thị Mơ, bản Cao Đa I (xa Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), cho biết: Các món ăn chế biến từ hoa ban không tuân theo 1 khuôn khổ hay quy trình nào cả. Người nào thích ăn kiểu gì thì chế biến kiểu đó.

Xưa kia chưa có thực phẩm phong phú và dồi dào như bây giờ, chúng tôi thường hái hoa ban về nộm hoặc canh ăn để cho no cái bụng, nhưng phải nói là các món ăn làm từ hoa ban có hương vị rất đậm đà.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 2.

Hoa ban miền Tây Bắc thường nở vào đầu tháng 3, tuy nhiên do khí hậu thay đổi có thời điểm hoa ban cũng nở vào tháng chạp.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 3.

Hoa ban không chỉ được dùng chế biến thành các món ăn, mà hoa ban còn biểu tượng cho người con gái Thái mộc mạc với khăn piêu, áo cóm. Biểu tượng cho sự sống trường tồn của tình yêu đôi lứa trong sáng, thủy chung.

Xưa người Thái tỉnh Sơn La thường ăn hoa ban với cơm nếp. Tuy nhiên thời nay lại khác, các giới trẻ tạo ra nhiều món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn, ví dụ như: Hoa ban xào măng, nộm hoa ban với măng, nộm hoa ban với rau cải, hoa ban nhồi bụng cá…

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 5.

Hoa ban nộm là món ăn được người Thái thường hay chế biến nhiều nhất.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 6.

Chị Sa Thị Huệ, bản Cao Đa I, xã Phiêng Ban (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) lên rừng hái hoa ban về làm các món đặc sản phục vụ gia đình.

Một trong những món ngon làm từ hoa ban được người Thái rất ưa chuộng là hoa ban nấu canh măng với xương trâu hoặc hoa ban nộm măng đắng. 

Chị Hà Thị Nguyện, bản Cao Đa I (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: Sau khi hái hoa ban về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa sạch, rồi thả sau cùng vào nồi canh măng xương trâu đã được om kỹ, có như vậy cánh hoa khi nấu mới không bị nát. 

Hoa ban nấu canh măng cùng với xương trâu có vị đắng của măng, nhưng lại có vị ngọt của nước xương. Quyện vào đó là vị chát, ngọt bùi của hoa ban tạo nên hương vị rất riêng biệt.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 7.

Hoa ban nộm giềng.

"Còn đối với món nộm hoa ban với măng đắng thì rất đơn giản, bước đầu chỉ cần luộc hoa ban và măng đắng lên. Sau đó thái măng nhỏ ra trộn đều với hoa ban. 

"Gia vị chế biến món ăn này bắt buộc phải có: Tỏi, ớt, mắc khén, giềng, muối, mỳ chính… sau đó dùng đũa đảo đều và nêm muối sao cho vừa là có thể mang ra thưởng thức được", chị Hà Thị Nguyện, bản Cao Đa I, xã Phiêng Ban cho biết thêm.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 8.

Không biết từ bao giờ, hoa ban đã trở thành 1 món ăn đặc sản hấp dẫn đối với những thực khách đam mê ẩm thực dân tộc.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 9.

Hoa ban xào với măng đắng và lá chát rừng.

Vị của hoa ban đặc biệt đến nỗi không chỉ ăn hoa tươi, người Thái còn thường xuyên lên nương, ra đồi hái hoa ban về đem rửa sạch, đồ chín rồi phơi khô để ăn dần. Khi ăn, lấy hoa ban đã phơi khô ra ngâm với nước sôi cho đến khi nở rồi mới chế biến.

Ăn cả 1 mùa hoa ban trắng muốt - Ảnh 10.

Hoa ban được ví như niềm khát vọng của sự sống, khát vọng của lứa đôi. Một loài hoa mang sức sống bất diệt, dù thời tiết có khắc nghiệt tới đâu, địa hình hiểm yếu đến cỡ nào thì vẫn len lỏi trong từng vách núi sườn đồi hình ảnh màu trắng sọc hồng của hoa ban vẫn tràn đầy nhựa sống.

Hoa ban như người thiếu nữ Thái e ấp, khiêm nhường quanh năm suốt tháng, chỉ khi hoa mận, hoa đào đã lui dần theo mùa xuân, hoa ban mới lung linh khoe sắc trắng tinh khôi. 

Và cũng lạ, hình như ở đất vùng này, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Đến mùa hoa ban, đồng bào dân tộc Thái lại tranh thủ những lúc đi nương về hái một giỏ hoa về chế biến thành những món đặc sản Tây Bắc và chỉ có Tây Bắc mới có món đặc sản hoa ban, hấp dẫn mang đặc trưng núi rừng...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem