Đại biểu Quốc hội: "Quê ngoại mang rất nhiều ý nghĩa, sao không ghi trên căn cước công dân?"

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 10/06/2023 13:40 PM (GMT+7)
Đại biểu TP.HCM kiến nghị ban soạn thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) xem xét thể hiện cả quê cha và quê mẹ trên CCCD, bởi "quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với tuổi thơ mỗi người".
Bình luận 0

Cân nhắc, thống nhất "nơi sinh" hay "nơi khai sinh"

Thảo luận tại phiên họp tổ của Quốc hôi về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) ngày 10/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ CCCD. Theo ông, lâu nay quy định quê quán là quê cha, không có quê mẹ liệu đã hợp lý hay chưa?

Đại biểu Quốc hội: "Quê ngoại mang rất nhiều ý nghĩa, sao không ghi trên CCCD?" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: Quốc hội

"Quê quán chúng ta ghi quê cha, tức là quê nội, cuối cùng thông tin này đem lại ý nghĩa gì. Tại sao quê quán lại là quê cha, mà không phải quê mẹ. Nếu đã thể hiện quê cha trên thẻ CCCD thì có thể thêm quê mẹ hay không?, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.

Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, thống nhất về "nơi sinh" hay là "nơi khai sinh". Bởi theo vị đại biểu, một người có thể sinh ở bệnh viện thuộc tỉnh này, nhưng sẽ khai sinh ở tỉnh khác, do đó cần thống nhất.

Cùng nội dung góp ý về thông tin quê quán thể hiện trên thẻ CCCD, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng tình với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa rằng cần xem xét thể hiện cả quê cha (tức quê nội) và quê mẹ (tức quê ngoại).

Theo đại biểu Ngân, đối với hầu hết chúng ta, quê mẹ quê ngoại mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với mỗi người từ tuổi thơ nên ban soạn thảo nên cân nhắc nội dung này.

Tránh xáo trộn liên tục làm người dân hoang mang

Nêu ý kiến góp ý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thể hiện đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, không nên thực hiện đề xuất đổi tên "thẻ CCCD" thành "thẻ căn cước". Ông dẫn chứng việc trước đây người dân có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó là chứng minh nhân dân 12 số, sau lại cấp thẻ CCCD không gắn chíp, thẻ căn cước gắn chíp và giờ là đề xuất thẻ căn cước.

"Trong một thời gian ngắn mà chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục dẫn đến tâm lý không tốt cho người dân. Đặc biệt hiện nay chúng ta đã cấp được 80 triệu thẻ CCCD cho người dân", ông Tùng nói.

Đại biểu Quốc hội: "Quê ngoại mang rất nhiều ý nghĩa, sao không ghi trên CCCD?" - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PĐ

Về việc tích hợp thông tin giấy tờ, ông Tùng cho biết, những giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… thì hiện tại vẫn phải mang theo để xuất trình. Hiện nay khi tích hợp vào thẻ căn cước thì có thể xác nhận được những loại giấy tờ đó.

Tuy nhiên, ông Tùng đề cập đến vấn đề bảo mật khi tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ căn cước. Theo quy định của Hiến pháp thì thông tin cá nhân, bí mật riêng tư phải được bảo vệ. Ai có thẩm quyền thì mới được tiếp cận đến những thông tin đó chứ không phải ai cũng được phép.

Ông Tùng lấy ví dụ khi cảnh sát giao thông kiểm tra người dân tham gia giao thông có giấy phép lái xe hay không thì cảnh sát chỉ được tiếp cận thông tin về giấy phép lái xe. Còn với những thông tin khác được tích hợp bên trong thẻ căn cước thì không được phép tiếp cận. Hay như đi khám chữa bệnh thì bác sĩ chỉ được tiếp cận thông tin về số thẻ bảo hiểm y tế chứ không được tiếp cận thông tin khác. Về mặt kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết việc này.

Về dự kiến cấp CCCD cho người 14 tuổi trên tinh thần tự nguyện, ông Tùng cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau. Về mặt tích cực, ông Tùng cho biết, về quy định đi máy bay, bình thường trẻ em phải xuất trình giấy khai sinh để chứng minh bản thân nhưng loại giấy tờ này lại không có ảnh để nhận dạng khuôn mặt, khó xác nhận. Còn khi được cấp thẻ CCCD, có ảnh và nhiều thông tin liên quan sẽ rất thuận tiện.

Dù vậy, ông Tùng cho rằng, với trẻ em dưới 14 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 5-6 tuổi thì nhận dạng thay đổi rất nhanh, rất khó xác nhận. Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá khi luật được ban hành sẽ có khoảng bao nhiêu trẻ em được cha mẹ tự nguyện đưa con đến làm thẻ căn cước để có bước chuẩn bị, tránh lãng phí.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem