Lãi suất cho vay rất cao và hiện tượng 164.000 doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường

Nguyễn Tuyền Thứ bảy, ngày 26/10/2024 13:20 PM (GMT+7)
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp giảm lãi suất đang ở mức cao cho doanh nghiệp, đồng thời quan tâm đến “chất lượng” doanh nghiệp bởi lo ngại 164.000 doanh nghiệp đã tháo chạy khỏi thị trường trong 9 tháng qua.
Bình luận 0

Tại thảo luận ở tổ của Quốc hội sáng nay 26/10 về tình hình kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế có rất nhiều khó khăn, chúng ta phải đứng trước rất nhiều các thách thức về những tác động sau đại dịch, tình hình kinh tế thế giới hồi phục rất chậm, các thị trường lớn của nước ta cũng ảnh hưởng…, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và trầm trọng hơn.

Đại biểu trăn trở vì lãi vay rất cao và hiện tượng 164.000 doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, Đoàn ĐVQH tỉnh Hà Nam

Với những nỗ lực, quyết tâm và lãnh đạo, chi đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, năm 2024, nhất là đến Quý 3 vừa qua đã đạt được những kết quả khá lạc quan.

 Lãi suất cho vay vẫn còn rất cao 

Bà Hiền nêu, theo khảo sát và đánh giá của Tổng cục thống kê hiện có từ hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nổi bật nhất là khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao…

Theo bà Hiền, cử tri, đại biểu và bản thân bà đã chất vấn, bày tỏ quan điểm nhiều kỳ Quốc hội về lãi suất, việc doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn… Dù Hiện nay, vấn đề này đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất, tôi cho rằng với mức như hiện nay vẫn còn cao.

Bà Hiền đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp - điều này cũng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ có 9%, trong khi mục tiêu là 14-15%).

Một khía cạnh khác là chất lượng phát triển doanh nghiệp trong nước. Đại biểu Hiền cho rằng, dù số lượng doanh nghiệp của chúng ta gia tăng đều suốt những năm qua, đã từ hơn 654.000 doanh nghiệp năm 2017 đến năm 2023 đạt mức hơn 921 nghìn và năm 2024 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.

Đại biểu trăn trở vì lãi vay rất cao và hiện tượng 164.000 doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường - Ảnh 2.

Đại biểu lo ngại sức khoẻ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ảnh: QH.VN).

Tuy nhiên, “nếu đánh giá về mục tiêu thì tôi e rằng khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ”, bà Hiền lo ngại.

Mặt khác, nữ đại biểu cho rằng: Về quy mô, doanh nghiệp của Việt Nam cũng rất nhỏ, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này.

Bên cạnh số lượng cần đạt được, nữ đại biểu Đoàn Hà Nam đề nghị tăng chất lượng phát triển doanh nghiệp. “Phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng”, bà Hiền lưu ý.

“Qua theo dõi, tôi thấy tổng số doanh nghiệp thì như vậy, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp” - Bên cạnh đó, bà này cho rằng: “Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%”, Đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Số liệu được bà Hiền đưa ra, tính đến hết tháng 9/2024, nước ta có hơn 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng cũng có gần 164.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. “Đó là chưa kể còn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh”, Đại biểu Hiền nêu.

Nữ đại biểu thông tin, riêng năm 2022 và 2023 số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến và tương ứng là 73,8 nghìn và 89 nghìn doanh nghiệp và 9 tháng đầu năm 2024 đã hơn 86 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Đây là những vấn đề đề nghị Chính phủ cũng quan tâm hơn đến các yếu tố chất lượng chứ không chỉ phát triển về số lượng. Theo bà Hiền, đối với nội dung về lao động, chất lượng nguồn nhân lực và an sinh xã hội, hiện lực lượng lao động của nước ta trên 50 triệu người, nhưng lao động khu vực phi chính thức khá cao chiếm tới 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mức 28%.

Liên quan đến phát huy hiệu quả của bảo hiểm đối với người dân, doanh nghiệp, nữ đại biểu Đoàn Hà Nam cho biết, hiện tỷ kệ thất nghiệp trong thanh niên luôn cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu nêu thời gian qua nhưng cũng chưa thấy có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Điều đáng quan tâm là làm thế nào để khắc phục điểm nghẽn về nhân lực là 01 trong 03 điểm nghẽn lớn nhất được Đồng chí Tổng Bí thư đề cập tạo bài phát biểu Phiên khai mạc kỳ họp này.

Bà Hiền cho rằng, tính đến hết tháng 9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 19 triệu người, trong đó có gần 2 triệu tham gia bảo hiểm xã hội, còn lại là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, tốc độ tăng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 năm 2023 - 2024 đã có xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước năm 2019.

Đáng chú ý, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đến nay vẫn chủ yếu gần như chỉ để chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, việc hỗ trợ đào tạo nghề rất hạn chế trong nhiều năm qua chưa được khắc phục.

Năm 2023 tỷ lệ chi cho đào tạo nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ khoảng 77 tỷ đồng (chiếm 0,33% tổng chi của Quỹ) cho 19,8 nghìn người lao động. Các hoạt động hỗ trợ để người lao động quay trở lại thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo lao động rất hạn chế.

Số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần năm 2023 là khoảng 1,1 triệu người, 8 tháng đầu năm 2024 số này là hơn 775 nghìn người. Tổng số doanh nghiệp có hơn 921 nghìn nhưng cũng chỉ khoảng một nửa tham gia bảo hiểm xã hội.

Chính vì vậy, bà Hiền kiến nghị có giải pháp để làm sao thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho người lao động; nếu chỉ nhà nước làm sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 để có những điều chỉnh trong tổ chức thực hiện và giải pháp phù hợp, trong đó có việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực của hệ thống các trường nghề để đáp ứng với thị trường lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem