Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới

Tào Nga Chủ nhật, ngày 10/12/2023 14:57 PM (GMT+7)
Đại học Quốc Gia Hà Nội khẳng định tiếp tục sứ mệnh nòng cột và tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phấn đấu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới vào năm 2045.
Bình luận 0

Ngày 10/12, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống.

Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống. Ảnh: VNU

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của ĐHQGHN. Là dịp để ĐHQGHN tri ân sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt là dịp để các thế hệ thầy trò ôn lại kỷ niệm, tổng kết những thành tựu, đánh giá và rút ra các bài học, tiếp tục giữ vững truyền thống, vun đắp niềm tự hào và khẳng định quyết tâm thực hiện thành công chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn mới.

Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới - Ảnh 2.

Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VNU

30 năm không dài trong quá trình phát triển một đại học lớn, song là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với ĐHQGHN trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập, đánh dấu một chặng đường đầy gian khó nhưng hết sức vẻ vang. Những bài học được đúc kết hôm nay sẽ là hành trang quan trọng để ĐHQGHN tiếp tục vươn lên trong thời gian tới.

Với cơ chế thuận lợi, tiềm lực đội ngũ nhà khoa học vô cùng to lớn và một không gian phát triển khoáng đạt, bài học quan trọng tiên quyết cho sự phát triển ĐHQGHN chính là truyền thống và tinh thần ĐHQGHN, là sự kiên định với mô hình tổ chức và hoạt động, với sứ mạng, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của một đại học gánh trên vai trọng trách quốc gia, là tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo không ngừng; là tinh thần học thuật, quyết tâm theo đuổi tới tận cùng những vấn đề mình tin là đúng đắn, làm những việc khó mà các đơn vị khác không làm hay không thể làm. Chỉ có như vậy ĐHQGHN mới trở thành một địa chỉ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân gửi gắm niềm tin, lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học và một trong những biểu tượng đẹp của tinh thần, trí tuệ và tinh hoa văn hoá Việt Nam".

Nói về mục tiêu sắp tới, ĐHQGHN khẳng định tiếp tục sứ mệnh nòng cột và tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phấn đấu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới vào năm 2045. Thứ hai, xây dựng thành công Khu Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc thông minh, hiện đại, bền vững, ngang tầm khu vực.

Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới - Ảnh 3.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân tự hào khẳng định quyết tâm thực hiện thành công chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn mới. Ảnh: VNU

Em Võ Hoàng Hải, học sinh lớp 12A2 Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN thay mặt học sinh, sinh viên trường chia sẻ: "Là người yêu thích các con số và Khoa học, em đã sớm tìm hiểu và tiếp cận với các kiến thức Vật lý nâng cao từ lớp 7. Ở ngưỡng cửa THPT, khi cần lựa chọn một ngôi trường để học tập thỏa mãn niềm yêu thích của mình với Vật lý, em đã không ngần ngại lựa chọn Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Tại ngôi trường này, em đã được gặp, được học những thầy cô giáo đầy tâm huyết, nhiệt tình, có cơ hội được tiếp xúc và gặp gỡ với các giảng viên là các nhà khoa học hàng đầu của cả nước; được học tập những kiến thức bậc cao, mở mang tầm mắt với môi trường học thuật đỉnh cao, được học tập trong môi trường có các anh chị và bạn bè rất thông minh, sáng tạo và luôn luôn khát khao chinh phục những đỉnh cao tại các cuộc thi, các sân chơi trí tuệ của lứa tuổi học trò… Tất cả những điều đó khiến em thêm yêu ngôi trường này và yêu vật lý hơn bao giờ hết, những điều đó cũng đồng thời tiếp sức, cho em thêm quyết tâm đạt thành tích cao tại 2 kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2022 và 2023 vừa qua".

Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới - Ảnh 4.

Em Võ Hoàng Hải, học sinh lớp 12A2 Lý trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: VNU

Từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy đa ngành, đa lĩnh vực

ĐHQGHN tự hào được kế thừa bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang của 117 năm từ Đại học Đông Dương (1906), Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Đại học Tổng hợp (1956). Sau 30 năm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng trong bối cảnh mới. Đặc biệt qua thực tiễn, mô hình ĐHQG đã khẳng định được tính ưu việt của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động theo cơ chế tự chủ. Mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở thử nghiệm của các ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG được mở rộng cho tất cả các trường ĐH khác ở Việt Nam như: tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sĩ…

Hiện nay, ĐHQGHN có hơn 5.000 cán bộ. Trong đó, tổng số cán bộ khoa học là 2.739 người; 66 giáo sư, 490 phó giáo sư, gần 1.700 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của ĐHQGHN đạt tỉ lệ 62% (cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ trung bình của cả nước); tỷ lệ giáo sư/phó giáo sư cao gấp 5 lần trung bình cả nước.

Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 37 đơn vị, gồm: Cơ quan ĐHQGHN; 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 2 trường, 2 khoa và 1 viện nghiên cứu trực thuộc; 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu; 15 đơn vị phục vụ, dịch vụ. Đặc biệt, hệ thống tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN có sự liên thông, liên kết hữu cơ, trong đó, các cán bộ khoa học làm việc tại các đơn vị là nguồn nhân lực dùng chung khi tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay, ĐHQGHN đang triển khai 190 chương trình đào tạo bậc đại học, 198 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, 118 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ.

Đại học Quốc Gia Hà Nội mục tiêu trở thành đại học tiên tiến của khu vực và châu Á, top 200 thế giới - Ảnh 5.

Lãnh đạo ĐHQGHN đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN" cho 148 cá nhân. Ảnh: VNU

Quy mô đào tạo những năm đầu mới thành lập chỉ khoảng 20.000 sinh viên chính quy và 50 nghiên cứu sinh. Đến nay, quy mô đào tạo của ĐHQGHN là 71.000 người học, trong đó có khoảng 55.000 sinh viên đại học chính quy, 5.000 học viên cao học, hơn 1.000 nghiên cứu sinh, 1.000 sinh viên quốc tế và hơn 10.000 học sinh trung học phổ thông. Từ năm 1993 đến nay, có khoảng 280.000 người tốt nghiệp từ ĐHQGHN, trong đó có 230.000 cử nhân, 43.000 thạc sĩ và gần 3.000 tiến sĩ.

Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ); mới đây, Trường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường ĐH Giáo dục), Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã được thành lập. Đặc biệt, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã đạt được 301 huy chương Olympic quốc tế và khu vực, trong đó có 77 huy chương Vàng, 87 huy chương Bạc, 76 huy chương Đồng và 61 huy chương Olympic khu vực. Riêng năm 2023, số huy chương Vàng của ĐHQGHN chiếm 50% tổng số huy chương Vàng của cả nước.

ĐHQGHN phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 25.000 sinh viên và hướng tới năm 2030 đạt quy mô đô thị 100.000 người với 80.000 học sinh, sinh viên và khoảng 10.000 giảng viên, nhân viên, là trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các doanh nghiệp. ĐHQGHN xác định trở thành trung tâm lõi của Thành phố Hòa Lạc thuộc Thủ đô Hà Nội. 

Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của ĐHQGHN góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN và 117 năm truyền thống, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ĐHQGHN.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, lãnh đạo ĐHQGHN đã trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển ĐHQGHN" cho 148 cá nhân nhằm ghi nhận, tri ân các cá nhân trong và ngoài ĐHQGHN có những thành tích, đóng góp xuất sắc, góp phần xây dựng, phát triển ĐHQGHN trong 30 năm qua.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng ĐHQGHN. Tổng Bí thư viết: "Sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, ĐHQGHN đã đạt được các thành tích xuất sắc và thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng hàng đầu của đất nước, có vai trò nòng cốt và đầu tầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem