Đại hội Hội Nhà văn khoá X: Kỳ vọng nhiều tác phẩm về nông dân, nông thôn và chống tham nhũng
Đại hội Hội Nhà văn khoá X: Kỳ vọng nhiều tác phẩm về nông dân, nông thôn và chống tham nhũng
Huy Hoàng
Thứ ba, ngày 24/11/2020 11:30 AM (GMT+7)
Sáng 24/11, Đại hội Hội nhà văn Việt Nam khoá X diễn ra ngày thứ hai với nhiều tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn trước thềm bầu cử Ban chấp hành mới. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với một số nhà văn.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 23-25/11/2020 tại Hà Nội. Trong ngày 23/11, Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá IX nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổng kết những điều làm được và không làm được.
Nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành khoá IX đã tổ chức cho hội viên học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Trung ương khoá XI và kết luận số 76 ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 "Xây dựng văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước".
Ban chấp hành khoá IX có sự đoàn kết nội bộ trong Ban chấp hành, tổ chức thành công các hoạt động đặc biệt như Ngày thơ Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế…
Tuy nhiên, Ban chấp hành khoá IX còn chưa nắm vững được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của một số hội viên để kịp thời giúp đỡ và chia sẻ; Ban chấp hành chưa bao quát hết nên vẫn để xảy ra một số sai sót đáng tiếc trong lĩnh vực báo chí và xuất bản; Chưa phát huy một cách có hiệu quả nhất chức năng tư vấn của các Liên chi hội và Chi hội Nhà văn Việt Nam ở các khu vực trong cả nước.
Hội Nhà văn nên đề xuất Giải thưởng Nhà nước, không để các nhà văn đi "xin"
Ngày 24/11, Đại hội tiếp tục với việc bầu chọn Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá X. Bên lề Đại hội, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với một số nhà văn.
Nhà văn Anh Ngọc cho biết: "Tôi nghĩ công việc sáng tác văn học là của từng người, một mình một bóng, không ai giúp được ai, hội đoàn cũng không thể giúp trong công việc sáng tác".
Theo nhà văn Anh Ngọc, Hội Nhà văn là nơi tạo ra môi trường để các nhà văn gặp gỡ, giao lưu, động viên nhau. Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ vừa rồi làm rất tốt, làm được cả về vật chất và tinh thần. Ban chấp hành đã quan tâm, động viên anh em rất nhiều. Ông bày tỏ mong ước Ban chấp hành mới tới đây sẽ tiếp tục tinh thần đó, làm tốt, động viên, quan tâm tới anh em cả về tinh thần và vật chất để các nhà văn yên tâm sáng tác.
Một điều quan trọng nữa mà ông muốn nói đến và đó cũng là mong muốn cho các nhà văn, là việc đề xuất nhận Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng cao quý khác thì Hội Nhà văn nên là nơi đề xuất chứ không để nhà văn tự làm hồ sơ, giống như nhà văn đi xin giải thưởng, điều này đánh vào lòng tự trọng nhiều nhà văn.
"Tôi được biết nhiều nhà văn không làm, bản thân tôi cũng không tự làm. Năm 2012 tôi có Giải thưởng Nhà nước là do Chi hội Văn nghệ Quân đội làm hồ sơ cho tôi. Theo tôi nên thành lập hội đồng, hội đồng đó là những người hiểu biết, có tâm đề xuất, chứ không nên để tự các nhà văn làm hồ sơ.
Ngoài ra theo tôi, Ban chấp hành mới cũng nên tổ chức nhiều chuyến đi trại sáng tác, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ để động viên, thúc đẩy sáng tạo. Bên cạnh đó là tổ chức các cuộc thi giải thưởng, đặc biệt là với các bạn trẻ ngoài việc có giải thưởng, còn là tạo tên tuổi cho mình", nhà văn Anh Ngọc chia sẻ.
Kỳ vọng nhiều tác phẩm về nông dân, nông thôn và chống tham nhũng
Nhà văn, nhà báo Võ Khắc Nghiêm thì chia sẻ: "Đây là Đại hội thứ 10, một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trước thềm năm mới, trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Nhu cầu đổi mới của Hội Nhà văn đặt ra rất lớn, tức là không chỉ nhu cầu mỗi một nhà văn phải nâng mình lên mà còn là có những tác phẩm đúng với thời đại. Bởi hơn 30 năm đổi mới nhưng chưa có tác phẩm về công cuộc đổi mới, đặc biệt là những tác phẩm nông thôn Việt Nam. Đề tài này gần như bị quên lãng và vai trò của người nông dân không được xuất hiện xứng đáng trong các tác phẩm văn học. Tôi ít viết về nông nghiệp nhưng tôi rất quan tâm tới đổi mới nông nghiệp Việt Nam, bởi chúng ta không vô cớ mà xuất khẩu gạo tới 6 triệu tấn, trong khi cả thế giới đang thiếu lương thực, tôi cho đó là niềm tự hào.
Nông dân Việt Nam phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân phải làm đủ cách để tồn tại, thế nhưng các nhà văn chưa làm được việc khắc hoạ người nông dân Việt Nam trong thời kỳ 4.0 và công nghệ đổi mới đã tạo cho nông nghiệp phát triển. Tôi nghĩ Đại hội Nhà văn lần này, những tác phẩm về công cuộc đổi mới cần phải có nhiều hơn.
Thứ nữa là đề tài chống tham nhũng, chúng ta xử hàng loạt vụ án, nhưng dường như các nhà văn sợ đụng chạm những vấn đề này. Tôi thấy đã đến lúc cần phải có những tác phẩm xứng tầm hơn về công tác chống tham nhũng.
Chúng ta đã chống tham nhũng rất thành công nhưng những tiêu cực trong xã hội còn rất nhiều và mặt trái của xã hội, các nhà văn, kể cả tôi viết động đến là thấy ngại, chỉ sợ bị thu hồi sách. Và về mặt này tôi thấy suy nghĩ như vậy là cổ điển bởi bây giờ viết về chống tham nhũng không ai thu hồi sách, nếu chúng ta viết và đừng chống lại lợi ích của nhân dân mà nên đứng về phía nhân dân thì không ai thu hồi sách.
Tôi nghĩ đã đến lúc các nhà văn nên dũng cảm sáng tác, đặc biệt là cường hào mới ở nông thôn đang xuất hiện rất nhiều, làm khổ người nông dân, chúng ta cần lên tiếng để người nông dân thấy họ được bảo vệ, được che chở. Đặc biệt là đề tài giảm nghèo, giảm đói ở nông thôn thành công rất lớn. Đây là một trong những điểm sáng, mà có lẽ báo Nông thôn Ngày nay có những bài viết về giảm nghèo, giảm đói ở nông thôn. Và có những điều tra nhiều hơn về cường hào mới trong nông thôn".
Nói về kỳ vọng với Ban chấp hành mới Hội Nhà văn, nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho hay: "Tôi kỳ vọng phải có được một số đổi mới, ví dụ vai trò của nhà văn, theo tôi không gọi là thẻ hội viên mà nên gọi là thẻ hành nghề nhà văn. Có 2 vạn nhà báo mà chỉ có 1 nghìn nhà văn. Phải tạo được uy tín trong xã hội bằng thẻ hành nghề của mình. Kỳ vọng nữa là có sự đầu tư cho các nhà văn.
Nhà nước nên đặt hàng đề tài lớn cho các nhà văn, đặc biệt là trong đề tài sản xuất và kinh doanh. Dường như các nhà văn ngại động chạm thì phải có đặt hàng, các chân dung doanh nghiệp, tập đoàn phối hợp giữa nhà văn và Nhà nước. Tôi ví dụ chúng ta mở các cuộc thi sáng tác về nông nghiệp, nông thôn thì sẽ có được phong trào và từ sự đầu tư ấy nó khích lệ, không phải vấn đề về tiền mà khích lệ đi sâu vào lĩnh vực, cuộc sống khó khăn".
Nói về tiêu chí người xứng đáng vào vị trí Ban chấp hành mới, theo nhà văn Võ Khắc Nghiêm là người đó phải biết tổ chức, biết điều hành và phải có tấm lòng với hội viên, lo cho các hội viên.
"Các cụ đã có câu thầy già con hát trẻ, các nhà văn càng già càng tốt, phải có sức khoẻ, đủ tấm lòng vì công việc của anh em. Nhưng giỏi về điều hành, tổ chức quản lý. Tôi đề nghị nên có ban kinh tế của Hội Nhà văn để lo liệu những vấn đề về kinh tế, tổ chức những sự kiện về văn học nghệ thuật. Tôi ví dụ, văn học nghệ thuật với nông dân thì phải có ban kinh tế lo liệu. Có thể bàn với báo Nông thôn Ngày nay để làm cuộc hội thảo về vấn đề đó, tạo cho ngành khác họ quan tâm. Tôi nghĩ như thế tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, chứ không chỉ đơn thuần là người có uy tín văn học là vào Ban chấp hành. Bởi đã là nhà văn ai cũng có uy tín văn học, nhưng biết tổ chức quản lý, điều hành không phải ai cũng làm được", nhà văn Võ Khắc Nghiêm nói."
Nhà văn, nhà thơ Dương Xuân Nam thì cho biết về kỳ vọng với Ban chấp hành Hội Nhà văn mới là trẻ hoá, bầu ra những người năng động và có tâm để tạo ra những hoạt động gây hứng khởi cho các nhà văn trong sáng tác, tạo nên những tác phẩm xứng tầm với đất nước. Nói về cuộc thi, giải thưởng của Hội Nhà văn nên trao cho những tác phẩm xứng đáng, những tác phẩm có tầm của nhà văn có tài, như thế mới thu hút được độc giả. Thời gian vừa qua chưa có tác phẩm gây được tiếng vang cho độc giả và trong công chúng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.