Đáng ngại, liên tiếp cấp cứu ngộ độc do ăn con so nhìn như con sam

Thứ hai, ngày 06/04/2020 08:00 AM (GMT+7)
Liên tiếp trong những ngày gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận một số trường hợp trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng do ngộ độc sau khi ăn con so biển.
Bình luận 0

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, ngày 7/3, tiếp nhận người bệnh Đỗ Văn Bính (40 tuổi, trú tại Quảng Ninh) nhập viện do ngộ độc sau khi ăn so biển.

Gia đình cho biết, người bệnh trước đó tại gia đình có tự chế biến và ăn con so biển. Sau ăn khoảng 2-3 tiếng người bệnh thấy xuất hiện tê lưỡi, mệt mỏi, nôn nhiều, lơ mơ. Gia đình đã lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu.

img

Người dân cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn. Trong ảnh là con sam biển.

Còn tại Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Trịnh Văn Tài (27 tuổi, trú tại Quảng Ninh) trong tình trạng tê yếu tay chân, suy hô hấp nặng. Trước đó, trong bữa tiệc liên hoan cùng bạn bè, bệnh nhân đã ăn so biển có nhiều trứng và xuất hiện các triệu chứng như tê bì mười đầu ngón tay, tê nóng vùng môi, lưỡi, nôn thốc và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngay khi nhập viện, các bệnh nhân đều được y, bác sĩ nhanh chóng tiến hành rửa dạ dày khẩn cấp, hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau khi điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định, các chỉ số bình thường và đã xuất viện.

img

Nam bệnh nhân ngộ độc so biển được bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống phục hồi sức khỏe tốt. Ảnh: Mạc Thảo (Bệnh viện Bãi Cháy).

Trước đây, nhiều trường hợp đã phải đến bệnh viện cấp cứu do ngộ độc con so biển, bởi nhầm lẫn giữa con so với con sam hoặc chủ ý ăn các món chế biến từ con so.

Trong so biển có độc tố tetro-dotoxin. Kể cả khi nấu chín, phơi khô hay sấy thì độc chất vẫn tồn tại. Đây là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc giải độc.

Bác sĩ khuyến cáo, con so biển có hình dạng rất giống sam nhưng kích thước nhỏ hơn, đuôi tròn và sống đơn lẻ. Khi trưởng thành con so có kích thước tối đa là 25cm, trọng lượng dưới 1kg (trong khi đó sam trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg). Người dân cần thận trọng phân biệt giữa con so và con sam khi sử dụng để chế biến món ăn, tuyệt đối không ăn các món ăn từ con so.

Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn con so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi... cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Nguyễn Hoa (Báo Quảng Ninh)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem