Đạo diễn “Hướng dương ngược nắng”: “Kết phim sẽ có vô số điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán”

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 11/03/2021 11:57 AM (GMT+7)
Theo đạo diễn Vũ Trường Khoa, phần kết của phim “Hướng dương ngược nắng” sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ và không nằm trong dự đoán của nhiều người.
Bình luận 0

Nhiều khán giả than phiền rằng, kịch bản phim "Hướng dương ngược nắng" đang cạn ý tưởng nên cố tình kéo các tình tiết lê thê, rối rắm, lôi kéo người xem vào những mâu thuẫn kiểu trẻ con. Nhưng có nhiều nguồn tin cho biết, phần II của phim được viết thêm 5 tập so với kịch bản dự kiến ban đầu. Như vậy nghĩa là phim sẽ kéo dài số lượng tập?

Tôi không rõ nguồn tin đó từ đâu nhưng hiện giờ chúng tôi vẫn làm bộ phim theo đúng kế hoạch ban đầu. Cách triển khai kịch bản có thể tăng hoặc giảm. Điều đó chúng tôi không khẳng định 100% vì nó còn phụ thuộc vào cách khai thác, cách dựng phim nữa.

Đạo diễn “Hướng dương ngược nắng”: “Kết phim sẽ có vô số điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán” - Ảnh 1.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa - người "cầm trịch" phim "Hướng dương ngược nắng".

Điều mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là phần kết phim "Hướng dương ngược nắng" sẽ như thế nào. Liệu cái kết của phim có được xây dựng hoặc điều chỉnh dựa trên ý kiến của phần đông khán giả như nhiều bộ phim khác?

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện kịch bản văn học tập cuối cùng của phim rồi. Nhưng chúng tôi vẫn chưa quay đến phần kết. Về nguyên tắc, kết phim của chúng tôi sẽ dựa theo kịch bản, không thay đổi, không điều chỉnh gì thêm.

 Bởi vì, việc xử lý phần kết theo ý kiến của phần đa khán giả chỉ là một phần và không phải phim nào cũng có thể làm theo "công thức" đó. Ở đây, chúng tôi buộc phải bám sát định hướng ban đầu để kết thúc câu chuyện, kết thúc chặng đường mà nhân vật đã đi qua.

Việc thay đổi phần kết của phim dựa trên ý kiến của số đông khán giả đôi khi còn tuỳ thuộc vào việc ý kiến đó có trùng với hướng mà ê-kíp muốn xử lý hay không.

Với tư cách là đạo diễn, anh nói gì về những tranh cãi liên quan đến các chi tiết bị cho là ngô nghê và thiếu thực tế như khi clip Châu bị Vỹ cưỡng bức rò rỉ trên mạng thì nhiều nhân viên trong Cao Dược đã "tụm năm, tụm ba" chỉ trỏ, bàn tàn… không phù hợp với kiểu tương tác của thời đại 5.0?

Chi tiết các nhân viên "tụm năm, tụm ba" (tranh thủ khi chưa vào làm việc hoặc đang nghỉ trưa hoặc lúc sếp chưa đến văn phòng) bàn tán về clip Châu bị Vỹ cưỡng bức rò rỉ trên mạng không hề ngô nghê, thiếu thực tế… như nhiều người nghĩ. Nếu soi xét kỹ thì mọi người sẽ thấy, thời đại nào, xã hội nào, môi trường nào… cũng sẽ có những người nhiều chuyện.

Những người nhiều chuyện họ thường không dễ giới hạn mình ở việc trao đổi trên nhóm "chat" mà sẽ có nhu cầu tương tác trực tiếp rất cao. Vì tương tác trực tiếp họ sẽ thông tin được nhiều điều trong thời gian nhanh nhất có thể và bộc lộ được cảm xúc thông qua các ngôn ngữ hình thể khác. Huống hồ ở đây, việc tiểu thư nhà họ Cao lộ clip bị cưỡng bức là một chuyện "tày trời", không ai có thể dễ dàng im lặng theo nghĩa thông thường được.

Đạo diễn “Hướng dương ngược nắng”: “Kết phim sẽ có vô số điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán” - Ảnh 3.

Những tình tiết gây tranh cãi trong "Hướng dương ngược nắng".

Tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể cứng nhắc kiểu "thời đại 5.0 thì người ta không tương tác trực tiếp với nhau mà chỉ chat nhóm". Ở đâu, chuyện gì… cũng có thể xảy ra, huống hồ việc tương tác với nhau để bàn tán về "chuyện tày trời" là điều rất bình thường. Thời đại 5.0 thì cũng không ai cất bỏ hết mọi thói quen giao tiếp truyền thống đi được hết.

Chúng ta cũng không thể đem một môi trường cụ thể nào ra để làm thước đo rồi quy kết cho phim ảnh thiếu tính thực tế. Nó cũng giống như việc, ngày nay mạng xã hội và báo mạng điện tử rất phát triển nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen đọc báo giấy. Trong một khu phố mà có chuyện gì đó ầm ĩ, người ta vẫn túm tụm đầu ngõ hoặc ở hàng trà đá để bàn tán cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Thực tế cuộc sống sinh động, đa dạng và muôn màu chứ không bó hẹp trong một giới hạn. Vì thế, khi chúng tôi chọn lọc chi tiết nào để đưa vào phim cũng đều có sự tính toán, cân nhắc.

Có ý kiến cho rằng, từ đầu phim "Hướng dương ngược nắng", nhân vật Kiên được xây dựng với lai lịch học rộng, hiểu cao, thông minh… nhưng càng về cuối lại càng có những ứng xử không nhất quán, không phù hợp?

Chuyện nhiều khán giả bình luận rằng, nhân vật Kiên là người trí thức, học rộng, hiểu sâu, thông minh… nhưng hành xử lại không phù hợp với lai lịch thì tôi cho rằng, việc học hành thuộc về nghề nghiệp. Nghề nghiệp không thể chi phối mọi ứng xử của con người. Có những người làm lao động chân tay nhưng họ lại ứng xử rất bặt thiệp, văn minh. Có những người lao động trí óc nhưng họ cư xử rất thô lỗ. Đó là những thực tế rất phổ biến trong đời sống.

Đạo diễn “Hướng dương ngược nắng”: “Kết phim sẽ có vô số điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán” - Ảnh 4.

Nhiều ý kiến cho rằng, càng về cuối phim, nhân vật Kiên càng có nhiều ứng xử không phù hợp với lai lịch ban đầu.

Văn hoá sống và ứng xử của mỗi cá nhân được hình thành từ môi trường sống của mỗi người. Kèm theo đó là ý thức tiếp nhận văn hoá hoá ứng xử. Cho nên không thể nói Kiên học rộng, hiểu sâu, thông minh… mà ứng xử càng ngày càng không phù hợp.

Người ta bảo "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Khi bản chất được hình thành từ lý lịch, môi trường sống và môi trường trưởng thành thì họ sẽ có những ứng xử đúng với quan điểm của họ chứ không phải với quan điểm của người khác. Vì thế, trước khi đưa ra nhận định, chúng ta cần phải xâu chuỗi và soi rọi mọi thứ dưới góc nhìn đã chiều chứ không thể nhìn từ một chiều.

Ở hai phần của phim "Hướng dương ngược nắng", có vẻ như phần II lấy đi của ê-kíp và đội ngũ diễn viên nhiều sức lực lẫn nước mắt hơn?

Ngay chủ trương ban đầu, khi trao đổi với các biên kịch và biên tập thì chúng tôi đều thống nhất, phần I của phim sẽ tạo ra những xung đột, biến cố… để đẩy tính hấp dẫn, cuốn hút lên từ những tập đầu.

Ở phần này, chúng tôi cũng chủ ý tạo mạch chuyện và tiết tấu nhanh hơn để mọi người có được sự hứng thú khi theo dõi. Nhưng khi các tuyến nhân vật đã được định hình và cách phát triển đã mạch lạc cũng như kéo được người xem vào câu chuyện rồi thì phải chuyển sang khai thác chiều sâu tâm lý.

Những biến cố sẽ không còn quá nhiều nữa. Chỉ còn những biến cố mang tính chất bước ngoặt thôi. Nhưng đi sâu vào khai thác tâm lý, nội tâm của từng nhân vật. Rõ ràng, khi biến cố xảy ra rồi, ai cũng sẽ có nhu cầu hiểu nhiều hơn về nội tâm. Mỗi nhân vật sẽ có cách hành xử đối với biến cố mình gặp theo tính cách, địa vị, văn hoá… của mình. Đó là lúc bản ngã của mỗi nhân vật sẽ bộc lộ ra rõ ràng nhất.

Ngay từ đầu mà chúng ta tung ra những cảnh nội tâm, tâm lý… mà không có biến cố thì không hợp lý về mặt câu chuyện và không có yếu tố để dẫn dắt câu chuyện.

Đạo diễn “Hướng dương ngược nắng”: “Kết phim sẽ có vô số điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán” - Ảnh 5.

Kết phim sẽ đọng lại là câu chuyện tình người?

Với những gì anh chia sẻ thì có vẻ như cái kết của "Hướng dương ngược nắng" đọng lại vẫn là câu chuyện về nhân – quả, về tình người?

Tôi nghĩ rằng, tất cả các chuyện phim, dù là chính luận, bi kịch hay hài kịch thì cái lớn nhất mà mọi người đều mong muốn đề cập đến đó chính là tình cảm giữa người với người. Đề tài nào thì tình yêu thương giữa con người cũng được đề cao nhất. Chắc chắn, phần kết của "Hướng dương ngược nắng" sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ và sẽ không nằm trong dự đoán của nhiều người.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem