Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Em và Trịnh" chỉ là góc nhìn "rất nhỏ" về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Anh Vũ Thứ tư, ngày 22/06/2022 08:30 AM (GMT+7)
Đạo diễn phim Em và Trịnh, Phan Gia Nhật Linh đã trò chuyện với Dân Việt những thách thức gặp phải khi cùng ekip thực hiện bộ phim.
Bình luận 0
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Em và Trịnh" chỉ là góc nhìn "rất nhỏ" về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

Đạo diễn phim Em và Trịnh Phan Gia Nhật Linh trong buổi ra mắt phim. Ảnh: NVCC

Đạo diễn phim Em và Trịnh thấm triết lý sống đơn giản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

"Dám" làm phim với một nhân vật như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chắc chắn khán giả rất muốn biết cố nhạc sĩ lẫn âm nhạc của ông đã ảnh hưởng tới anh như thế nào?

- Không chỉ âm nhạc, mà cả triết lý sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một tính "thiền định" giúp cho tôi tìm thấy được sự cân bằng trong cuộc sống và công việc của mình.

Tính duy mỹ trong tác phẩm đồng thời là tính triết học mà mỗi lần nghe là mỗi lần khám phá, mỗi lần ngẫm là mỗi lần ngộ ra một chân lý trong cuộc đời, mà ở mỗi thời điểm trong cuộc đời thì mình lại thấm theo một cách khác nhau.

Ở thời điểm này, tôi nhận ra triết lý sống giản đơn của nhạc sĩ, gói gọn trong hai chữ "thôi kệ". Trước đây bản thân chưa thực sự hiểu thì cảm thấy "sao mà kệ được" thì nay mình bỗng thấy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng cho cả bản thân và những người xung quanh, khi mình có thể "thôi kệ". Cũng như việc "trong những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, tôi và cuộc đời tha thứ cho nhau" vậy.

Việc xây dựng bối cảnh thập niên cũ, hay phần âm nhạc cho Em và Trịnh có khiến anh gặp khó khăn gì không?

- Về việc tái hiện lại bối cảnh xưa, có rất nhiều sự khó khăn. Kiến trúc tổng quan của các thành phố lớn căn bản đã không còn mang nhiều dấu tích của những thập niên cũ vì quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá diễn ra trong những năm gần đây. 

Ngay cả việc tìm kiếm lại đạo cụ của những thập niên trước cũng là một thử thách lớn. Rất may mắn, tôi có sự đồng hành của giám đốc mỹ thuật Hà Đỗ và đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc, VFX Art Director Trương Huyền Đức và một ê kíp tâm huyết để cùng biến những điều khó khăn đó thành hiện thực. 

Bên cạnh đó, nhờ "phép màu" của kỹ xảo điện ảnh đã "phù phép" cho bối cảnh trong phim được phục dựng lại về đúng thời kỳ, như khách sạn nổi 5 sao ở Bến Bạch Đằng, Chợ Bến Thành, Thương Xá Tax những năm 90, hay Nhà Thờ Phủ Cam ở Huế những năm 60, hay toàn cảnh Sài Gòn những năm 60…

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Em và Trịnh" chỉ là góc nhìn "rất nhỏ" về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 2.

Đạo diễn phim Em và Trịnh "thấm" triết lý "thôi kệ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: NVCC

Âm nhạc trong phim cũng là một thách thức khác. Về phần ca khúc, nhạc sĩ Đức Trí đảm nhận việc hoà âm phối khí và ghi âm lại hơn 50 ca khúc trong phim, sử dụng những chất liệu âm thanh để tạo nên cảm giác đúng thời nhưng vẫn phải hợp thời nay để tiếp cận với khán giả GenZ. 

Trong khi đó, phần nhạc nền do nhạc sĩ Trần Hữu Tuấn Bách phải sáng tác dựa trên những giai điệu của các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng đồng thời phải truyền tải được cảm xúc của cảnh phim, và mang chất liệu điện ảnh trong âm nhạc. Tôi thấy mình may mắn vì có những cộng sự tài năng có thể cùng nhau bàn bạc về các ý tưởng, triết lý cho bộ phim, và thấy họ biến những ý tưởng và triết lý ấy thành hiện thực một cách tuyệt vời.

Được biết, đây là một bộ phim "lấy cảm hứng" về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh có thể giải thích rõ hơn về hướng đi này, cho những khán giả lầm tưởng rằng đây là phim tư liệu? Đây có phải là cách làm phim phổ biến trên thế giới?

- Trên thực tế, tất cả các bộ phim trên thế giới làm về những nhân vật có thật đều là hư cấu. Bản chất của điện ảnh là hư cấu, bởi mỗi tác phẩm điện ảnh, cũng như mỗi tác phẩm nghệ thuật nói chung là cách mà người đạo diễn - hay người nghệ sĩ sáng tác thông qua tác phẩm của mình để biểu đạt một thông điệp, một tư tưởng, một quan điểm của họ về một điều gì đó. 

Ngay cả với phim tài liệu mà mọi người nghĩ rằng đó là sự thật thì đó vẫn là sự thật của người làm phim muốn mọi người được thấy, không nhất thiết là sự thật hiển hiện.

Chúng ta có thể thấy trong điện ảnh, có nhiều bộ phim làm về cùng một nhân vật có thật, nhưng mỗi bộ phim lại mô tả một khía cạnh, một góc nhìn đôi khi đối lập nhau hoàn toàn.

Điều này rất bình thường, ngay cả trong chính cuộc sống chúng ta. Bạn hãy thử hỏi ai đó quanh bạn nói về hình ảnh của chính bạn trong mắt họ, đôi khi bạn sẽ rất bất ngờ khi những người quanh bạn nhìn bạn với nhiều hình ảnh rất khác nhau, cho dù họ là những người thân thiết nhất với bạn. Điện ảnh là kể chuyện, và mỗi câu chuyện phản ánh một góc nhìn khác nhau. Em và Trịnh là một góc nhìn rất nhỏ của tôi về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà thôi.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Em và Trịnh" chỉ là góc nhìn "rất nhỏ" về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh 3.

Đạo diễn phim Em và Trịnh cho biết, đã gặp gỡ bạn bè, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lấy tư liệu cho phim. Ảnh: NVCC

Avin Lu và NSƯT Trần Lực thủ vai 2 phiên bản trẻ và trung niên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh có tạo riêng cho họ một sự kết nối nào hay không, để cả hai thêm hiểu nhau?

- Đoàn phim có tạo điều kiện để hai diễn viên gặp nhau và trò chuyện để cả hai có thể hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn cả hai quá gần nhau, bởi ý tưởng của tôi khi chọn hai diễn viên khác nhau để cùng đóng một vai ở hai giai đoạn chính là để khán giả thấy được thời gian, thời cuộc đã làm thay đổi con người thế nào. Trong phim, chỉ trừ nhân vật Khánh Ly do Bùi Lan Hương thủ vai đóng cả hai giai đoạn, còn lại các nhân vật khác như Trịnh Công Sơn hay Định Công đều do hai diễn viên khác nhau đóng để làm rõ ý niệm này.

Đạo diễn phim Em và Trịnh đã gặp gỡ nhiều bạn bè người thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để dựng phim  

Cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn liền với rất nhiều nhân vật nổi tiếng, anh nghĩ sao nếu có khán giả phản ứng khi nhân vật họ mong muốn không được anh đưa lên phim?

- Tôi nghĩ khán giả sẽ có nhiều mong muốn và mong chờ, và tôi cảm ơn tất cả những tình cảm đó. Nếu có điều kiện và tìm được câu chuyện phù hợp, tôi cũng mong muốn đưa những nhân vật khác gắn với cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên màn ảnh như mọi người kỳ vọng.

Gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cùng trao đổi và đưa cho anh những ý tưởng hay tư liệu ra sao?

- Chúng tôi không chỉ gặp gỡ và trao đổi với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà chúng tôi còn gặp gỡ bạn bè, người quen của nhạc sĩ để lắng nghe nhiều chiều, nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm khác nhau để có thể viết kịch bản của bộ phim. 

Sau khi thu thập các nguồn tư liệu, từ những tư liệu được ghi chép, xuất bản trên sách báo, các tư liệu video có được, cộng với những cuộc gặp gỡ phỏng vấn trong hai năm, chúng tôi mới bắt đầu xây dựng câu chuyện và lược bỏ bớt đi những chi tiết không phục vụ cho đường dây chính của bộ phim.

Sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh còn muốn đưa nhân vật có thật nào khác lên phim?

- Mơ ước của tôi là được làm phim lịch sử Việt Nam, nên chắc chắn tôi vẫn còn muốn đưa nhân vật có thật lên màn ảnh, dẫu biết đó là một thử thách lớn.

Cảm ơn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem