“Đất vàng” nhà máy sau di dời nhất loạt thành cao ốc (Kỳ 3)

Trần Kháng - Thành An Thứ hai, ngày 23/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô là hướng đi cần thiết nhưng điều mà người dân mong mỏi là việc di dời các cơ sở này, quỹ "đất vàng" đó cần được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng để tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, bảo đảm giảm tải được áp lực về hạ tầng đô thị.
Bình luận 0

Clip: Nhà máy trong nội đô Hà Nội "bức tử" người dân.

Nhà máy di dời, cao ốc mọc như nấm

Theo quy hoạch năm 2008 của Thủ đô Hà Nội, khu đất các cơ sở, nhà máy gây ô nhiễm sẽ được quy hoạch làm các dịch vụ công cộng như trường học, công viên cây xanh, vườn hoa… Tuy nhiên, nhiều khu đất đã làm không đúng quy hoạch ban đầu.

Thực tế đáng báo động khi có tới 20 tòa chung cư mọc lên chen chúc trên tuyến đường chỉ dài 720m – Nguyễn Tuân là một điển hình. Oằn mình gánh hơn 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán, tuyến đường này đang trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc và điểm đen về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng.

img

Hơn 8.000m2 trong khu "đất vàng" của Công ty cổ phần Cao su Hà Nội trước đó là đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo, nay vừa được Hà Nội điều chỉnh chức năng sang đất hỗn hợp, trong đó có hơn 5.600m2 đất được sử dụng để xây nhà ở thấp tầng. (Ảnh: Kháng An)

Điều đáng nói, quỹ đất xây dựng chung cư dọc đường Nguyễn Tuân chủ yếu xuất phát từ các nhà máy cũ. Cụ thể, Dự án Gold Season vốn là phần đất của công ty Dệt Mùa đông; Dự án Thống nhất Complex tiền thân là Nhà máy xe máy Thống Nhất; Dự án 90 Nguyễn Tuân cũng là khu đất Xí nghiệp xe buýt do tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý.

img

Sau di dời, các khu đất nhà máy, cơ sở sản xuất đã nhanh chóng thành cao ốc tại quận Thanh Xuân. (Ảnh: Kháng An)

Tương tự, trường hợp Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 trương Định (Hoàng Mai) sau khi di rời thành tòa nhà Nam Đô Complex với 2 tòa chung cư từ 25 - 28 tầng và 1 tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Còn khu đô thị New Hoziron City với 4 tòa chung cư từ 17 - 30 tầng cũng đã được hình thành trên diện tích đất của Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ việt Hà trước đây. Nhà máy cơ khí Hà Nội ở địa chỉ 72 Nguyễn Trãi thành Vinhome Royal City với 6 tòa chung cư 35 tầng tổ hợp trung tâm thương mại dưới lòng đất. 

Khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 – 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2… 

img

Cao ốc bóp nghẹt hạ tầng giao thông của Hà Nội. (Ảnh: Kháng An)

Bên cạnh những khu đất công nghiệp di dời thành cao ốc, nhiều doanh nghiệp trong kế hoạch di dời của mình cũng tính toán chuyển đổi khu đất đang có trong nội đô thành cao ốc. Đơn cử như, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa bị cháy, tháng 8/2018, doanh nghiệp này muốn bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp này cũng 2 lần có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, điều chỉnh mục đích sử dụng khu đất 87 - 89 Hạ Đình để làm dự án bất động sản.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội khoá XIV về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tại kỳ họp hồi tháng 5, Chính phủ cũng thừa nhận, một số cơ sở sau di dời được sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng nên chưa giải quyết được việc giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư khu vực nội thành, việc sử dụng quỹ đất sau di dời này còn hạn chế.

Lỗ hổng thất thoát ngân sách

Bên cạnh sự quá tải cho hạ tầng nội đô, việc di dời nhà máy, trụ sở để xây cao ốc đã tạo ra những lỗ hổng khiến ngân sách thất thu.

Trong một báo cáo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố năm 2018 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2003 – 2016 cho thấy, riêng tại Hà Nội, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn Thành phố có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi sang vị trí khác. 

img

Người dân rất lo ngại khi các nhà máy, xí nghiệp di dời ra khỏi trung tâm thành phố, khu đất còn lại được sử dụng xây chung cư, cao ốc... gây áp lực cho giao thông nội đô Hà Nội. (Ảnh: Kháng An)

Đây là những dự án vốn là đất của các cơ sở sản xuất trong nội thành. Sau khi thành phố có chủ trương di dời những nhà máy không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành thì các khu đất này đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại....

Tuy nhiên, ngoài một số dự án, khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá, thu về cho nhà nước số tiền lớn vẫn còn 38 doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mà tự thỏa thuận, nên thu được thấp. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.

Một số dự án phát hiện sai phạm khác như các sự án: Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn căn hộ (47 Nguyễn Tuân), Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán (108 Nguyễn Trãi), Tòa nhà hỗ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại (44 Yên Phụ), Trung tâm thương mại nhà ở cao tầng và thấp tầng Hano - Vid (430 cầu Am)...

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia quy hoạch băn khoăn, khi các nhà máy dọn đi theo quy hoạch nhưng việc sử dụng lại phần diện tích đất còn lại có được thực hiện theo quy hoạch hay không vẫn đang mập mờ. Liệu có hay không việc đánh đổi kinh tế bằng mọi giá, kể cả đã hi sinh cả môi trường sống của người dân.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: “Quy hoạch là phải vì người dân. Do đó cần công bố cho người dân biết để kiểm soát những quy hoạch đó. Đây là nội dung được quy hoạch ở trong Luật”.

KTS Phạm Thanh Tùng – Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Nếu đã có quy hoạch di dời nhà máy trong nội đô nhưng nếu thành phố đã phê duyệt để mọc lên những dự án trung tâm thương mại, tòa chung cư cao tầng thì Hà Nội có quyền điều chỉnh lại để biến những phần diện tích này mang lại môi trường sống tốt cho người dân như xây dựng công viên, lâm viên. 

Kỳ 4: "Chữa bệnh" chậm di dời cách nào?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem