Dấu ấn kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng “kép”

Minh Lê Thứ sáu, ngày 25/12/2020 06:08 AM (GMT+7)
Hệ lụy của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới năm 2020 quá khốc liệt khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn phá sản, tăng trưởng dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Bình luận 0

Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực, tuy nhiên, bằng nỗ lực vượt khủng hoảng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, dự kiến hết năm 2020 tăng trưởng GDP đạt 2,5-3%.

Nhiều điểm sáng trong gian khó

Đại dịch Covid-19 xuất hiện ngay đầu năm 2020, đến nay đã trở thành một cú sốc với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... của hầu hết các nước trên thế giới đồng loạt ngừng trệ, kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng...

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, kinh tế Việt Nam cũng không thể ngoại lệ. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong 11 tháng đầu năm có hơn 90.000 DN tạm ngừng hoạt động. Lĩnh vực hàng không và du lịch chịu tổn thất nặng nề nhất, khi mới đây Vietnam Airlines công bố con số lỗ trên 15.000 tỷ đồng; Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngành du lịch cũng uớc tính tổng thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng. Không chỉ dịch bệnh, năm 2020 cũng là một năm dồn dập thiên tai xảy ra ở nước ta, ước tính tổng thiệt hại hơn 38.000 tỷ đồng.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng “kép” - Ảnh 1.

Dự kiến hết năm 2020 tăng trưởng GDP nước ta đạt 2,5-3%. (Ảnh: Công nhân ngành dệt may trong giờ sản xuất). Ảnh: I.T

"Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu và trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đẩy đầu tư công trong nước ra làm bệ đỡ khiến tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức dương trong khi các nước khác tăng trưởng âm. Đấy chính là hướng đi để "giảm sốc" cho nền kinh tế".

TS Nguyễn Đức Kiên

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là, trong bối cảnh liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên những điểm sáng. Trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do dịch bệnh, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao, với xuất siêu ước tính đạt mức kỷ lục 20 tỷ USD và có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hay tính đến tháng 9, dự trữ ngoại hối đã đạt 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm 2019. Với chính sách tiền tệ hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2020 dự trữ ngoại hối có thể lên đến 100 tỷ USD.

Và một điểm sáng đáng ghi nhận, ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công đã được Chính phủ xác định là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết tâm từ cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi, tạo ra những kỷ lục trong thực hiện dự án đầu tư công. Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, dự kiến đạt trên 90% kế hoạch, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Có thể nói, năm 2020 là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm. Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu. Cùng với đó, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Dấu ấn kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng “kép” - Ảnh 3.

Nỗ lực vượt khủng hoảng

Những kết quả của nền kinh tế đạt được trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 có những dấu ấn không thể phủ nhận trong công tác điều hành của Chính phủ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải vật lộn với tỷ lệ người lây nhiễm, tử vong cao vì Covid-19, kinh tế bị ngừng trệ do phải giãn cách xã hội. Trong khi đó, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển, phục hồi kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng triển khai hàng loạt chính sách cứu trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng thuê đất trị giá 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng...

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, IMF cũng đã nhận định, Việt Nam có kết quả như trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Về những thành công trong công tác điều hành của Chỉnh phủ qua một năm có quá nhiều biến động, TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho hay, ông đánh giá cao những quyết sách sáng tạo của Chính phủ trong năm qua để đưa đất nước vượt khủng hoảng "kép". Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, do hiểu rõ được bản chất của nền kinh tế mà Chính phủ đã đưa ra được phương châm phòng dịch và giảm tốc độ suy giảm của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo ông Kiên, điều đáng ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra nhận định đầu tiên về nền kinh tế thế giới bị đứt gãy cả cung lẫn cầu sớm nhất. Vì khẳng định kinh tế thế giới sẽ suy giảm, nên Việt Nam đã kịp thời có những giải pháp điều hành nền kinh tế phù hợp, đó là nền kinh tế không phải tăng trưởng bằng mọi giá.

Ngoài ra, điểm sáng trong kết quả đầu tư công thời gian qua, theo ông Kiên cũng chứng tỏ những quyết sách đúng đắn của Chính phủ. "Việt Nam đã đẩy đầu tư công trong nước ra làm bệ đỡ khiến tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức dương trong khi các nước khác tăng trưởng âm. Đấy chính là hướng đi để "giảm sốc" cho nền kinh tế" - TS Nguyễn Đức Kiên nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem