ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hà Nội tăng thêm phần tốt, giảm phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt

PVCT Thứ sáu, ngày 12/06/2020 11:46 AM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, trong phát triển Thủ đô, vấn đề chính Hà Nội cần hiện nay là phát huy vai trò của chính quyền, của người lãnh đạo và phấn đấu của toàn bộ người dân. Hà Nội chỉ cần tăng thêm phần tốt, giảm phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt.
Bình luận 0

Ngày 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Buổi thảo luận chỉ có 3 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu.

Là người phát biểu đầu tiên, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Trong quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội đang đứng trước những thách thức về nhiều mặt như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng về dân số cơ học, quy hoạch xây dựng quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết một cách căn cơ.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hà Nội tăng thêm phần tốt, giảm phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phát biểu (ảnh quochoi.vn)

Trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao cho chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm nặng nề của Thủ đô. Do vậy, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính, ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP, phù hợp với thực tế phát triển. 

Đi vào vấn đề cụ thể, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết, về phí và lệ phí thì các loại phí cũng như mức phí thì việc giao cho Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội quyết định mà không quy định mức trần là phù hợp. Nhiều nước cũng đã thực hiện việc này. Ví dụ, phí đỗ xe ở đô thị lớn hay Thủ đô thì phải rất cao, ở các địa phương lân cận và khu đô thị xa trung tâm của Hà Nội thì mức phí rất thấp. Điều quan trọng là cân nhắc mức phí cao một cách hợp lý để có sự đồng thuận của người dân.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hà Nội tăng thêm phần tốt, giảm phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt - Ảnh 3.

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu (ảnh quochoi.vn).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội, ông là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân) cũng đồng tình với ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Ông cho rằng việc xác định phí, lệ phí phụ thuộc vào phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả. Ở nhiều TP lớn, khu đô thị hiện tại ở Việt Nam thì phí dành cho khu đô thị này cao hơn, như phí dịch vụ an ninh, vệ sinh môi trường... tại Phú Mỹ Hưng, Ecopark cao hơn hẳn các khu đô thị khác và cảnh quan môi trường, dịch vụ ở đây cũng tốt hơn. Nếu Hà Nội có được phí này phù hợp với các khu vực thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, (ông thuộc ĐBQH đoàn Bến Tre) cho biết, không định phát biểu nhưng không phát biểu thì thấy "áy náy trong lòng".

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hà Nội tăng thêm phần tốt, giảm phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt - Ảnh 4.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu (ảnh quochoi.vn).

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng ví TP.Hà Nội và TP.HCM  là nhà mặt tiền của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội hơn tất cả địa phương khác khi là trung tâm chính trị, văn hoá xã hội và là trái tim cả nước. "Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng "máu đỏ", "máu nóng" hay "máu độc" chảy về đây, nên cần sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp của Hà Nội. Trái tim không khoẻ thì cơ thể không thể khoẻ", ĐB Nhưỡng nói.

ĐB Nhưỡng cho rằng, để phát triển mạnh cho Thủ đô việc xin cơ chế là đúng, nhưng xin cơ chế phải khác với chuyện xin nguồn lực, điều này cần đánh giá rõ ràng. Nếu không nguồn lực đổ về đây thì những chỗ khác bị ảnh hưởng. Theo ông, vấn đề chính Hà Nội cần hiện nay là phát huy vai trò chính quyền, người lãnh đạo, và phấn đấu của toàn bộ người dân. Hà Nội chỉ cần tăng thêm phần tốt, giảm đi phần tiêu cực với tỷ lệ 70-30 thì quá tốt.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng bày tỏ băn khoăn khi Hà Nội xin cơ chế được tự quyền tự quyết khoản thu phí, lệ phí. Điều này đã đánh giá tác động tới doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hay chưa? Với cơ chế này thì nhà đầu tư có tiếp tục coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn hay không, hay chạy sang các tỉnh lân cận để hưởng ưu đãi khác?.

Vấn đề nữa là được ĐB Nhưỡng nêu thêm, đó là khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thì địa phương này cam kết sự đóng góp rõ ràng, nhưng với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, không thấy cam kết của Hà Nội. Ông đề nghị, cần sự đánh giá đầy đủ và rõ ràng điểm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem