ĐBQH Quảng Trị: "Thủy điện không làm ra lũ nhưng làm mất rừng, tàn phá nặng nề hơn"
ĐBQH Quảng Trị: "Thủy điện không làm ra lũ nhưng làm mất rừng, tàn phá nặng nề hơn"
Thành An
Thứ ba, ngày 03/11/2020 11:37 AM (GMT+7)
"Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tác nhân gây ra lũ rừng lớn hơn và có sức tàn phá nặng nề hơn", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Sáng 3/11, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân xảy ra thiên tai vừa qua là do điều kiện khí hậu, hậu quả về hình thái phức tạp, nắng hạn quá lâu ngày,… nhưng chắc chắn có thể nhận thấy rằng chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên.
"Câu chuyện hủy hoại về rừng không còn là chuyện mới song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung chúng ta càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, trong 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với những quy mô khác nhau, cùng với mưu sinh của người dân cũng như nhu cầu của sự phát triển hạ tầng đã có hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi.
Chỉ tiêu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng điều đó cũng không nói được nhiều về chất lượng khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi.
"Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất… ngoài những yếu tố về địa chất thì chủ yếu xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp", ông Thắng nói và nhìn nhận "mất rừng, mất đất tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn là nguyên nhân kích hoạt cho lũ quét và sạt lở đất… gây tai họa khủng khiếp hơn.
Đáng chú ý, đại biểu Thắng nhấn mạnh: "Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tác nhân gây ra lũ rừng lớn hơn và tàn phá nặng nề hơn". Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo tiếp tục tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt về chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình thực tế về việc phát triển các thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, về khả năng chống chịu mưa bão lũ lụt như vừa qua.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị Quốc hội tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là "kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống tự nhiên".
"Qua đợt lũ lịch sử này cần nhìn lại tổng quát về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho vùng chịu nhiều tác động thiên tai để phát triển bền vững, phải có những ứng xử chủ động, sáng tạo tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu giảm nhẹ thiên tai ngày càng khắc nghiệt…", đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Nêu thực tế, mô hình nhà chống lũ cũng như nhà tránh lũ đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua, nhờ đó giúp bà con giữ được sinh mạng, của cải… đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng cần nghiên cứu đánh giá để xây dựng thành chương trình nhà tránh lũ đối với vùng ngập sâu cho mỗi gia đình tránh lũ.
"Một hành động kiên quyết mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hi sinh một phần về kinh tế trước mắt nhưng chắc chắn sẽ mang lại sự sống an toàn mưu sinh cho hàng chục triệu người dân sinh sống ở vùng miền núi và vùng hạ du để tránh lặp lại thảm cảnh khi mùa mưa bão đến", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Cơ hội ngàn vàng để Quảng Trị vươn lên
Trong phát biểu thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng nêu thực tế: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng "biến cái nắng, cái gió và tiếp cận nguồn khí thiên nhiên để xây dựng và phát triển tỉnh trở thành trung tâm năng lượng miền Trung".
Đến nay Quảng Trị đã có 88 dự án điện gió được nghiên cứu với tổng công suất 1.400 megawatt (MW), tỉnh cũng đã kêu gọi Doanh nghiệp đầu tư trạm biến áp và đường dây 500 kV giảm tải nguồn năng lượng này trình Thủ tướng và Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch theo tinh thần xã hội hóa.
"Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị mong Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm ủng hộ sớm phê duyệt", đại biểu Thắng nói và nhấn mạnh: Quảng Trị có lợi thế để tiếp nhận nguồn khí thiên nhiên phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí.
Đại hội 17 của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã định hướng phát triển công nghiệp là mức đột phá. Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để Mỏ khí Kèn Bầu được tiếp mở ở Quảng Trị như là "món quà tri ân, là động lực cứu cánh để Quảng Trị vươn lên, bởi Quảng Trị vẫn là tỉnh khó nhất trong khu vực nên cần lắm sự quan tâm của Trung ương để dòng khí Kèn Bầu như dòng sữa mẹ tổ quốc dành – tiếp sức cho Quảng Trị đi lên".
"Xin thay mặt nhân dân Quảng Trị tha thiết thỉnh cầu Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chia sẻ sâu sắc và dành cho Quảng Trị cơ hội ngàn vàng này để Quảng Trị có cơ may thoát khỏi tỉnh khó khăn bền vững, vươn lên bằng bạn bè cả nước", Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.