Đề thi khiến nhà báo "khóc thét": Thi năng khiếu phải khó!

Diệu Thu Thứ bảy, ngày 15/08/2015 00:03 AM (GMT+7)
“Nếu đề dễ, nhiều người làm được. Liệu có phải là thi Năng khiếu hay không?”, ông Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền bày tỏ.
Bình luận 0

Ngày 12.8, thí sinh thi Năng khiếu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội). Đề thi gồm 2 phần, trắc nghiệm 3 điểm và tự luận 7 điểm.

Trong đề thi tự luận, trường cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, tính logic, văn phong…), yêu cầu thí sinh sửa, hoàn thiện.

img

img

Đề thi môn Năng khiếu báo chí

Đòi hỏi khả năng phát hiện vấn đề

Nhận định về đề thi năng khiếu vào trường Học viện Báo chí và Truyên truyền, nhiều nhà báo cho rằng đề thi quá nhiều kiến thức tổng hợp, học sinh tốt nghiệp THPT khó có thể làm được.

Trước thông tin này, trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền khẳng định, đề thi Năng khiếu vào trường bao quát kiến thức của học sinh tốt nghiệp THPT.

Theo ông An, đề thi năng khiếu thuộc chuyên ngành Báo chí bao giờ cũng đòi hỏi khả năng định hướng, diễn giải vấn đề. Bên cạnh đó, đề thi vẫn đảm bảo tính vừa sức và tính phân hóa.

Trong đề thi này, kiến thức chủ yếu thuộc về các môn trong hai khối D và khối C. Tuy nhiên, đề thi Năng khiếu báo chí không hẳn là kiến thức các em đã học mà đòi hỏi khả năng phát hiện vấn đề. Do đó, nhà trường ra đề vẫn đảm bảo các tiêu chí: đúng, hay, khó.

Trước thông tin nhiều nhà báo phản ánh, đề thi này quá sức với học sinh tốt nghiệp THPT, ông An nói: “Khó hay không còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nếu đề dễ, nhiều người làm được, liệu có phải là thi năng khiếu hay không? Đã học làm báo phải biết biên tập. Đó mới là năng khiếu”.

Lãnh đạo Học viện Báo chí và Truyên truyền nói thêm: “Đề thi Năng khiếu phải khó một chút. Tất nhiên, trường cũng nghĩ đến tính phân loại thí sinh. Anh học giỏi, tư duy tốt và có chính kiến sẽ làm được đề thi này”, ông An cho hay.

Cũng theo ông An, đề thi này để chọn thí sinh vào đại học chứ không phải thi tốt nghiệp. Do vậy, trường phải chọn thí sinh có nhận thức tốt. Thí sinh có học lực trung bình, khá, giỏi mà nhận thức về xã hội không tốt cũng có thể trượt.

“Với đề thi này, những em tự tin, có kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tốt sẽ đỗ. Ngược lại, những em điểm kém, không tự tin làm bài thì kết quả dè dặt”, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền khẳng định.

img

PGS.TS.Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền (Ảnh: HV BC và TT).

Đề thi được lựa chọn nhiều vòng

Ông Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền cho biết, sau 10 năm, trường mới tổ chức thi lại môn Năng khiếu. Do đó, việc ra đề thi, nhà trường làm rất công phu, mất nhiều công sức.

Trước đó nhiều tháng, trường đã họp thông qua phương án ra đề thi trình Bộ GD-ĐT.  Hơn nữa, thành phần ra đề thi gồm: Hội đồng khoa học, giảng viên, nhà báo, các tổng biên tập trong hội nhà báo họp bàn. Hội đồng xây dựng ngân hàng câu hỏi. Trên cơ sở đó, nhà trường mới lọc câu hỏi, chọn lọc đề, ra đề.

“Đề thi này do Hội đồng khoa học đưa ra, không phải là của cá nhân nào. Đề cũng được lựa chọn qua rất nhiều vòng bởi trong ngân hàng đề có hàng trăm đề khác nhau”, ông An khẳng định.

Cũng theo ông An, công tác ra đề, coi thi, chấm thi do các thầy cô giáo, các nhà báo có kinh nghiệm tham gia. Đề thi cũng được bảo mật. Buổi thi Năng khiếu vừa rồi không có thí sinh quay cóp.

Lãnh đạo trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng thông tin, hiện tại trường đang chấm thi môn Năng khiếu. Dự kiến, kết quả thi Năng khiếu báo chí sẽ được công bố vào ngày 15.8.

Năm nay trường lấy 435 thí sinh/888 em dự thi vào 7 chuyên ngành báo chí. Hiện tại, trường cũng có khoảng 30-40 thí sinh được giải Quốc gia vào thẳng. Do đó, nếu thí sinh chưa trúng tuyển, cơ hội xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học vẫn còn nguyên vẹn.

Là một trong số ít trường đại học tuyển sinh theo phương thức riêng, năm 2015, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ sung bài thi Năng khiếu báo chí đối với thí sinh dự tuyển vào 7 chuyên ngành. Đó là các ngành Báo in, Báo ảnh, Báo mạng điện tử, Báo Phát thanh, Báo Truyền hình, Quay phim truyền hình và Báo chí đa phương tiện.

Học viện trả hồ sơ cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí từ ngày 16/8 đến 20/8 (trong thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 theo quy định của Bộ GD-ĐT).

Khi nhận lại hồ sơ, thí sinh có thể đăng ký lại vào 4 ngành/chuyên ngành khác của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hoặc cũng có thể nộp hồ sơ sang trường đại học khác với 4 ngành/chuyên ngành của trường đó.

Tất cả ngành đào tạo còn lại của Học viện Báo chí Tuyên truyền vẫn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh đến 17h30 ngày 20/8.

(Ông Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem