Đề xuất "cấm cửa" doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản, ngân hàng và thị trường chứng khoán

An Linh Thứ bảy, ngày 23/11/2024 11:30 AM (GMT+7)
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, nội dung nhận được sự quan tâm đó là quy định doanh nghiệp Nhà nước chỉ làm những lĩnh vực có chuyên môn, thế mạnh được giao.
Bình luận 0

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ xác định rõ phạm vi đầu tư doanh nghiệp Nhà nước, những lĩnh vực được phép và những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành không được phép nhằm thể hiện quan điểm: Không đầu tư những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp ngoài nhà nước có tiềm lực đầu tư, nhằm bảo toàn vốn.

Đề xuất "cấm cửa" doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản, ngân hàng và thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

Chinh phu quy định những lĩnh vực ưu tiên và cấm doanh nghiệp Nhà nước bỏ vốn đầu tư (Ảnh minh hoạ).

Trong các trường hợp hạn chế, cấm doanh nghiệp Nhà nước sẽ không được quyền đầu tư kinh doanh bất động sản nếu không phải là doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Tương tự, các doanh nghiệp Nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận định, dự thảo luật quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn "khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính".

Đề xuất "cấm cửa" doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản, ngân hàng và thị trường chứng khoán- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày dự thảo Tờ trình về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định không được đầu tư vốn vào một số lĩnh vực là hạn chế quyền của doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, lĩnh vực đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Quy định như dự luật cũng chưa bao gồm trường hợp ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Để bảo đảm bao quát, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát, bổ sung quy định trong dự thảo luật.

Về hình thức đầu tư của doanh nghiệp, theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, dự luật chưa bao quát hết các hình thức đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, chưa phân biệt giữa đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài. Điều này, có thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến tán thành với quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần tách bạch, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số nội dung tại dự thảo Luật chưa thực sự bảo đảm đúng quan điểm này, vẫn hạn chế quyền can thiệp vào quản trị doanh nghiệp và cần được tiếp tục sửa đổi để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Đề xuất "cấm cửa" doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản, ngân hàng và thị trường chứng khoán- Ảnh 3.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt của nền kinh tế, doanh nghiệp quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức nhóm công ty gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con phải xây dựng và được phê duyệt chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn lại không phải xây dựng và phê duyệt chiến lược kinh doanh theo quy định của Luật này.

Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật vì đã bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN, đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, trong đó làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt chiến lược kinh doanh của từng cơ quan, tổ chức. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem