Đề xuất chủ trương đầu tư nuôi lợn kiểu mới, xây nhà cao tầng cho lợn ở
Đề xuất cơ chế, chủ trương mô hình xây "chung cư"... nuôi lợn
Thiên Ngân
Thứ năm, ngày 27/07/2023 16:52 PM (GMT+7)
Các trang trại lợn 2-3 tầng đã được thử nghiệm ở châu Âu, Trung Quốc. So với nuôi lợn trong trang trại truyền thống (1 tầng) thì chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng đầu tư tốn kém hơn 1,6 - 1,8 lần/lợn nái, nhưng hiệu quả sử dụng tốt hơn, khấu hao thấp hơn...
Tại Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua lĩnh vực chăn nuôi lợn đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Đặc biệt, các mô hình, trang trại áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tự động hóa, hiện đại hóa trong các khâu ngày càng nhiều.
Một số doanh nghiệp lớn đã ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và khai thác tại trang trại chăn nuôi; tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi; xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn nhà nhiều tầng.
Trong chăn nuôi lợn công nghiệp, nhiều đơn vị sử dụng hệ thống chuồng kín, đầu tư công nghệ cao phổ biến tự động hóa ở các khâu kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và hàm lượng khí thải bằng các thiết bị cảm biến điện tử; đầu tư thiết bị tự động cung cấp, thức ăn, nước uống (dẫn truyền từ silo tổng đến silo từng trại, phân phối thức ăn theo khẩu phần, tiêu chuẩn tới từng loại lợn). Một số ít trại đã lắp thiết bị tự động kiểm soát sức khỏe vật nuôi qua hệ thống giám sát điện tử theo thời gian thực.
Công nghệ chăn nuôi lợn thịt không xả thải được áp dụng, với nguyên tắc chính là sử dụng sàn có khe thoáng để thoát phân và nước tiểu của lợn xuống bể chứa phân ở phía dưới sàn chuồng. Phân lỏng ở dưới sàn chuồng sẽ hình thành lớp váng (màng) trên bề mặt để ngăn không cho mùi hôi và khí độc bốc lên.
Khi bể chứa đầy phân (thường khoảng 3-4 tháng) thì sẽ mở van xả chất thải sử dụng áp lực âm để rút toàn bộ chất thải lỏng sang một bể chứa phân bên ngoài qua ống dẫn. Chất thải lỏng đậm đặc sẽ được bơm lên bể ủ với than bùn hoặc phụ phẩm trồng trọt, hoặc cho vào bồn để chuyên chở đi làm phân hữu cơ.
"Chung cư nuôi lợn" của HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội) áp dụng quy trình chặt chẽ đảm bảo vệ sinh, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nongnghiephuuco.
Đáng chú ý, mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng được đánh giá là mô hình chăn nuôi lợn kiểu mới, trong đó mấu chốt là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Nuôi lợn công nghệ cao trong nhà tầng sẽ giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng; tiết kiệm hạ tầng dùng chung, tăng hiệu quả sử dụng đất; nâng cao năng suất, chất lượng; quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường. Đặc biệt mô hình công nghệ này có khả năng giải quyết được vấn đề lọc khí và khử mùi trong chuồng trại, áp dụng tổ hợp các công nghệ cao xử lý nước thải ở các giai đoạn khác nhau.
Mô hình chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng tại Trung Quốc xuất hiện từ năm 2018. Đến nay, Trung Quốc đã có khoảng 1.830 dự án với 4.282 tòa nhà cao tầng chăn nuôi lợn.
Theo báo cáo tại Hội nghị, so với nuôi lợn trong trang trại truyền thống (1 tầng) thì đầu tư ban đầu của mô hình chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng chi phí cao hơn từ 1,6 - 1,8 lần/lợn nái. Nhưng trước mắt cho thấy hiệu quả sử dụng tốt hơn, khấu hao thấp hơn và đặc biệt góp phần rất lớn vào đảm bảo an ninh lương thực, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, năm 2016, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động mô hình "chung cư chăn nuôi lợn 3 tầng có thang máy" tương đối hiện đại, với các dãy chuồng nuôi từ 1 - 3 tầng, có lắp đặt thang máy. Khi đó, Hoàng Long mới có 2,2ha đất để phục vụ chăn nuôi.
Đến nay, HTX Hoàng Long đã tiếp tục mở rộng mô hình “chung cư lợn” với việc xây dựng khu chăn nuôi hơn 5ha đầy đủ các hạng mục của mô hình chăn nuôi lợn khép kín từ A đến Z gồm: Sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối.
Tại Hội nghị, ông Hoàng Viết Chọn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hoá cho biết, đàn lợn của tỉnh hiện đạt 1,3 triệu con. Thời gian qua Thanh Hóa đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao, ước tính từ đầu năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn, tổng số vốn đầu tư đạt hơn 17.400 tỷ đồng.
Điển hình như Tập đoàn Xuân Thiện thời gian qua đã đầu tư triển khai chuỗi dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ khâu thức ăn chăn nuôi cho đến bàn ăn, với tổng mức đầu tư 38.000 tỷ đồng, với đàn lợn giống nhập khẩu từ nước ngoài, đang phát triển rất tốt.
Theo ông Chọn, đây cũng là trang trại đầu tiên trong chuỗi dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa. Mới đây Tập đoàn này đã đề xuất tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư chăn nuôi lợn theo công nghệ "nhà cao tầng". Đây là hình thức chăn nuôi mới, do đó ngành đang tham mưu, xin ý kiến chủ trương của tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về chủ trương đầu tư mô hình mới này, để từ đó chúng tôi có hướng dẫn cho doanh nghiệp. Nếu không có chế biến sâu, sự tham gia của doanh nghiệp thì chăn nuôi lợn khó có thể phát triển hiệu quả, bền vững. Thanh Hoá rất hoan nghênh và sẵn sàng mời doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn" - ông Chọn khẳng định.
Về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mô hình nuôi lợn trong nhà cao tầng không mới, ở Hà Nội đã có mô hình của HTX Chăn nuôi Hoàng Long, nuôi lợn trong chung cư cao 3 tầng, có cả thang máy để vận chuyển lợn lên xuống.
Còn ở Trung Quốc mô hình này cũng rất phổ biến. Có thể thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nhà cao tầng để đánh giá về hiệu quả cũng như rủi ro về dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.