Điểm mạnh nào cũng là... điểm yếu của ĐT Pháp?

Phạm Trần Oánh Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:40 PM (GMT+7)
Cả Mbappe và Dembele đều là những cầu thủ tấn công xuất sắc, được cho là có khả năng tạo ra các phép màu. Họ có thể thực hiện các pha bóng mà không ai làm được, họ là báu vật của ĐT Pháp. Nhưng đây cũng là vấn đề của đội bóng này.
Bình luận 0

Mbappe, Dembele là vấn đề của ĐT Pháp?

Thắng ĐT Áo 1-0, ĐT Pháp đã có chiến thắng đầu tiên trên con đường chinh phục chức vô địch châu Âu lần thứ 3 của mình. Họ đang nỗ lực để có thêm 1 ngôi sao nữa bên cạnh 2 ngôi sao trên logo có chú gà trống Gô-loa màu vàng nơi ngực chiếc áo đấu của ĐT Pháp năm nay.

Xét về thực lực, ĐT Pháp xứng đáng với chức vô địch đó. Vậy điều gì có thể cản trở đội bóng này này gắn thêm ngôi sao thứ 3 lên ngực áo mình ở giải đấu năm nay?

Điểm mạnh nào cũng là... điểm yếu của ĐT Pháp?- Ảnh 1.

Pháp thắng Áo sít sao ở trận ra quân. Ảnh: Reuters

Nhìn lại trận đấu với ĐT Áo, "các chú gà trông Gô loa" tuy không trực tiếp ghi bàn thắng, tuy các con số thống kê cơ bản như tỷ lệ kiểm soát bóng, tỷ lệ đường chuyền, số cú sút của 2 đội tương đối ngang nhau, nhưng thực tế trên sân, thế trận mà họ tạo ra được trước các cầu thủ Áo là chênh lệch rõ ràng. Về phía các cầu thủ Áo, họ tỏ ra là đội bóng không dễ để bị bắt nạt. Họ tạo được cơ hội ghi bàn rõ nét trước cả ĐT Pháp, mặc dù sau đó, các cầu thủ Pháp tạo ra được nhiều cơ hội hơn. Nhìn tổng thể từ trận đấu này, các tuyến của ĐT Pháp đều rất mạnh.

Có thể hàng phòng ngự chưa gặp phải thử thách đủ lớn là sức tấn công của ĐT Áo, nhưng hàng tiền vệ của ĐT Pháp kể từ thời Michel Platini chưa bao giờ bị coi là yếu. Một chi tiết đáng chú ý đó là trong quá trình pressing, các tiền vệ Pháp không chỉ lập tức truy cản đòi bóng khi đối phương vừa cướp được bóng, mà cách các cầu thủ tiền vệ ĐT Pháp thực hiện các pha conters-press (gây áp lực nhằm giành lại bóng ngay khi vừa mất bóng) trong trận đấu này cũng khá đặc biệt.

Chúng ta thấy ngoài cầu thủ vừa làm mất bóng truy đuổi hay be đường thoát bóng, khá nhiều lần, các cầu thủ của ĐT Pháp băng lên từ tuyến dưới, lấy được đủ đà nhờ xuất phát từ khoảng cách khá xa, ập vào cầu thủ cầm bóng của đối phương với 1 tốc độ rất cao. Các pha vào bóng như vậy của các cầu thủ Pháp tỏ ra rất hiệu quả.

Điểm mạnh nào cũng là... điểm yếu của ĐT Pháp?- Ảnh 2.

Pháp có khả năng tranh chấp rất tốt. Ảnh: Reuters

Tất nhiên, các cầu thủ Pháp hẳn đã có phương án trám chỗ cho các cầu thủ băng lên này. Bình thường, khi nhận bóng, các cầu thủ luôn quan sát, ước lượng, định vị các cầu thủ đối phương xung quanh mình để chuẩn bị đối phó. Việc đột ngột xuất hiện 1 đối tượng lao vào truy cản từ xa, nằm ngoài các đối tượng xung quanh đã định vị trước đó làm cho các cầu thủ cầm bóng bị bất ngờ.

Hàng tiền đạo của ĐT Pháp là những cái tên đầy uy tín, không cần thẩm định chuyên môn. Đó là bộ 3 tấn công trong sơ đồ 4-3-3 của HLV Didier Deschamps: Mbappe, Ousmane Dembele, và Marcus Thuram, con trai của trung vệ huyền thoại ĐT Pháp Lilian Thuram.

Dĩ nhiên, Mbappe đá hơi lùi bên trái để tận dụng tốc độ của cầu thủ này. Ở World Cup 2022, đã có lần cầu thủ này được xếp đá trên cùng nhưng anh tỏ ra không hiệu quả ở vị trí này.

Thực tế, thế mạnh của Mbappe là tốc độ. Hậu vệ đối phương sẽ khó kiểm soát khi anh ta đối mặt đi bóng với tốc độ cao, hơn là khi anh ta đứng tại chỗ, xoay lưng lại nhận bóng. Tương tự với Mbapee, Ousmane Dembele ở cánh đối diện của ĐT Pháp là cầu thủ được đánh giá là 1 trong những cầu thủ đi bóng hay nhất thế giới. Cả 2 cầu thủ này đều được cho là có khả năng tạo ra các phép màu. Họ có thể thực hiện các pha bóng mà không ai làm được. Họ là báu vật của ĐT Pháp.

Điểm mạnh nào cũng là... điểm yếu của ĐT Pháp?- Ảnh 3.

Mbappe không đạt hiệu quả cao nhất ở trận đấu với Áo. Ảnh: Reuters

Nhưng vấn đề cũng xuất hiện từ đây. Cả Mbapee lẫn Dembele luôn có xu hướng lựa chọn cách giải quyết bóng một mình trước khi nghĩ đến phối hợp với đồng đội. Cả trận gặp ĐT Áo, chúng ta thấy không biết bao nhiêu lần 2 cầu thủ này quyết định đi bóng đột phá trong khi có cơ hội phối hợp với đồng đội. Và theo quy luật, nhiều lần trong số đó, lựa chọn như vậy không thành công. Nhưng không chỉ vậy, việc thường xuyên quyết định như vậy làm cho hậu vệ đối phương dễ bắt bài, dễ tổ chức bọc lót để cản phá hơn.

Nhưng nghiêm trọng hơn, nó làm tiêu tan nỗ lực di chuyển, tìm vị trí, hỗ trợ tấn công của đồng đội trong các pha bóng tấn công. Không tiền đạo nào, cho dù đó là tiền đạo đẳng cấp thế giới, đủ kiên nhẫn, đủ thể lực lẫn lý trí, để luôn luôn nỗ lực một cách tuyệt đối trong việc chạy chỗ, băng cắt đè mặt hậu vệ đối phương, chiếm lĩnh vị trí … khi trong đầu xác định rằng đồng đội của mình đang cầm bóng chắc sẽ tự mình đột phá và dứt điểm. Với tình trạng như vậy thì bộ 3 tấn công này của ĐT Pháp có muốn phối hợp với nhau cũng khó. Điều này đang đe dọa tham vọng của họ.

Điểm mạnh nào cũng là... điểm yếu của ĐT Pháp?- Ảnh 4.

Pháp cần điều chỉnh lối chơi để đạt hiệu quả cao hơn. Ảnh: Reuters

Và như chúng ta đã xem, có khá ít các tình huống phối hợp giữa họ. Nếu có, chúng cũng không đủ nhuần nhuyễn, sắc sảo. Chắc chắn HLV Didier Deschamps nhìn thấy điều này, chỉ có điều, giải quyết nó lại không dễ.

Ông buộc phải dùng họ, vì cả nước Pháp sẽ lên án ông nếu không dùng các cầu thủ có khả năng tạo ra phép màu như vậy. Chỉ có điều, không phải lúc nào họ cũng muốn, hoặc có khả năng thực hiện được những điều HLV này muốn. Thật khó cho Didier Deschamps.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem