Điều lệ Hội nông dân Việt Nam nhận được nhiều ý kiến hay từ Bình Dương
Thực tế sinh động ở Bình Dương đóng góp nhiều ý kiến hay cho Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII
Nguyên Vỹ
Thứ bảy, ngày 11/03/2023 19:50 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính cho biết, thực tế sinh động ở Bình Dương đã đóng góp nhiều ý kiến hay cho Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII.
Bình Dương triển khai tốt Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (2018-2023); đề xuất, sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội nông dân Việt Nam khóa VIII (2023-2028) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Dương luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương và của Trung ương Hội.
Công tác xây dựng tổ chức Hội của tỉnh ngày càng phát triên vững mạnh. Đội ngũ cán bộ các cấp Hội từng bước được chuẩn hóa; trình độ, năng lực công tác được nâng lên rõ rệt; có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, nhiệt tình với công tác Hội, được hội viên nông dân tín nhiệm.
Nhiệm kỳ vừa qua, tập thể Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành tích nổi bật như: được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng ba; 1 cán bộ và Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 1 cờ tập thể và 4 Bằng khen cá nhân; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 4 cờ Thi đua và 46 Bằng khen; 1 cá nhân Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và 3 cá nhân được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc; 2 cá nhân được tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông; 121 Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam"; và nhiều cờ thi đua yêu nước do UBND tỉnh Bình Dương tặng.
Tuy nhiên, ông Huy cũng cho biết, tham gia thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xã hội tỉnh Bình Dương, đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp có sự thay đổi.
Nhất là cấp cơ sở, nhiều đơn vị không bố trí chức danh Phó Chủ tịch Hội, và thực hiện chấm dứt hoạt động một số tổ chức Hội Nông dân cấp phường không còn đủ điều kiện hoạt động. Từ đó, công tác tổ chức các hoạt động và phong trào nông dân trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp xã, phường.
Nỗ lực vượt khó, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân ở Bình Dương vẫn vận động phát triển và kết nạp mới được 7.225/4.000 hội viên; đạt tỷ lệ 180% so với Nghị quyết Đại hội đề ra.
Trong thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định của Điều lệ Hội, hướng dẫn thi hành Điều lệ và các quy chế, quy định của Hội đến các cấp cơ sở hội và chi, tổ hội trên địa bàn.
Các phong trào thi đua do Hội Nông dân ở Bình Dương phát động tiếp tục phát triển sâu, rộng và hiệu quả; tạo sự lan tỏa rộng lớn trong các phong trào thi đua yêu nước.
"Các kết quả này đã góp phần cùng địa phương hoàn thành, tốt các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí của tỉnh Bình Dương", ông Huy chia sẻ.
Nhiều ý kiến hay đóng góp cho Điều lệ Hội
Đối với việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cơ bản thống nhất Điều lệ, Hướng dẫn và Quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam (mới ban hành).
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện Điều lệ và hướng dẫn thực hiện, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương nhận thấy có một số vướng mắc nhất định, cần bổ sung một số nội dung cụ thể.
Về nội dung thuộc Chương II, bà Nguyễn Thụy Minh Chi – Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thuận An đề nghị nên bổ sung thêm khái niệm "hội viên danh dự" và nên có quy định riêng cho đối tượng này.
Theo bà Chi, thực tế hiện nay, có nhiều cá nhân có uy tín, có ảnh hưởng, có khả năng tác động tích cực đến nhận thức của nông dân, có đóng góp tích cực cho công tác Hội và phong trào nông dân. Tuy nhiên, do không đảm bao được đầy đủ các nhiệm vụ của hội viên nên chưa chủ động tham gia vào Hội.
Về tổ chức Hội cơ sở, bà Chi thống nhất việc tổ chức Đại hội cấp chi hội như hiện nay. Tuy nhiên, chi hội cũng gặp khó khăn về kinh phí, con người. Và nội dung, chương trình Đại hội còn khá dài.
Từ những hạn chế này, Hội Nông dân TP.Thuận An đề nghị Trung ương Hội nghiên cứu, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho chi hội trưởng, chế độ hỗ trợ cho chi hội phó và giảm nội dung chương trình Đại hội.
Về công tác kiểm tra, giám sát (Chương V), bà Chi cho rằng, việc bầu Ủy ban kiểm tra từ Trung ương đến cấp huyện là phù hợp. Cấp cơ sở không nên bầu Ủy ban kiểm tra. Vì theo quy định: số lượng Ủy ban kiểm tra cấp cơ sở là 3 đồng chí.
Cơ cấu Ủy ban kiểm tra có ủy viên Ban chấp hành cùng cấp song không quá 1/2 số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra. Điều này dẫn đến 2/3 ủy viên Ủy ban kiểm tra không là ủy viên Ban chấp hành.
Vì thế, phải cơ cấu thêm chi hội trưởng, chi hội phó tham gia tư cách là ủy viên. "Tuy nhiên, hiện nay đối tượng này còn hạn chế về trình đô, năng lực, độ tuổi nên hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát cấp cơ sở không đạt hiệu quả", bà Chi nói.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của đại diện Hội Nông dân các cấp tại Bình Dương cũng đề nghị tăng tỷ lệ khen thưởng. Vì quy định tỷ lệ xuất sắc không quá 50% thì cấp cơ sở rất thiệt thòi. Nhiều đại biểu đề nghị cần mở rộng tỷ lệ để khuyến khích tinh thần phấn đấu, và gắn bó của cán bộ Hội.
Bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam xuất phát từ thực tiễn
Đối với bố cục điều lệ, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đề xuất cần bổ sung thêm 3 điều về Hội viên danh dự; gồm: Hội viên danh dự; Nhiệm vụ của hội viên danh dự; Quyền lợi của hội viên danh dự. Như vậy bố cục sẽ thành 8 chương, 29 điều.
Việc này phù hợp tình hình mới của Hội Nông dân đang mở rộng phát triển các thành phần khác có liên hệ trực tiếp đến tổ chức Hội. Hội Nông dân cần mời tham gia là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp... có uy tín nhằm đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Hội.
Về nội dung, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đề xuất sửa đoạn "Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội thành: "Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, theo đúng theo Hiến pháp năm 2013 (khoản 2, điều 9)
Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đề xuất bổ sung đoạn "... xây dựng nông thôn mới" thành "...xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại".
Theo ông Đỗ Ngọc Huy, tại các thành phố lớn, vẫn còn nhiều tổ chức Hội ở các đô thị tham gia vào quá trình phát triển nông nghiệp đô thị, như tại Bình Dương. Bên cạnh việc tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân còn có nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Chương II, về phát triển đối tượng hội viên, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đề xuất bỏ đối tượng kết nạp là học sinh trung học phổ thông. Bởi vì đối tượng này không đảm bảo độ tuổi kết nạp, và không có thời gian để tham gia sinh hoạt Hội.
Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính cho biết, hội thảo lần này trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đoàn khảo sát ghi nhận được nhiều ý kiến hay đóng góp cho Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.
Các đề xuất của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương mang tính thực tiễn từ địa phương rất cao, lại phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhiều đề xuất của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cũng tương đồng với đề xuất ở các tỉnh thành khác nhưng được bổ sung, làm sâu sắc thêm cho đề xuất.
Ví dụ như việc mở rộng kết nạp thành viên, Bình Dương đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên danh dự. Hoặc đề xuất mời đồng chí Thường vụ cấp ủy làm Chủ tịch hội viên danh dự là ý kiến mà Đoàn khảo sát lần đầu tiên ghi nhận.
"Về việc đánh giá thi đua khen thưởng cũng là một ý kiến rất hay. Ý kiến này đúng với tinh thần của Trung ương Hội là hướng về cơ sở, các tổ chức, cá nhân trực tiếp, để tránh trường hợp lãnh đạo càng cao thì càng được đề nghị khen thưởng nhiều", Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính chia sẻ.
Tin cùng sự kiện: Tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII 2023-2028
Vui lòng nhập nội dung bình luận.