Đoàn kết, chung niềm tin xây dựng Bình Dương phát triển

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 13/02/2024 11:04 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền…
Bình luận 0

Những chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia đã được Bình Dương triển khai trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Nâng cao niềm tin vào chính quyền

Xã An Bình (huyện Phú Giáo) là xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất của Bình Dương. Toàn xã có gần 300 hộ đồng bào DTTS với 1.200 khẩu, thuộc 9 DTTS sinh sống. Trong đó đồng bào Khmer chiếm số đông, với 250 hộ và gần 1.000 khẩu sống tập trung ở 2 ấp Nước Vàng và ấp Tân Thịnh. Chính quyền các cấp của tỉnh Bình Dương và huyện Phú Giáo thường xuyên quan tâm, thực hiện nhiều chính sách để nâng cao đời sống vật chất cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Anh Kim Vĩnh – người dân tộc Khmer, sống ở ấp Tân Thịnh (xã An Bình) kể, 20 năm trước, gia đình anh là 1 trong số 130 hộ đồng bào DTTS ở địa phương được cấp 1ha đất để sản xuất. Sau khi trồng điều không hiệu quả, cách đây 9 năm, gia đình anh đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cao su. Đến nay, thu nhập hàng tháng từ vườn cao su và các hoạt động tăng gia sản xuất dưới tán rừng mang lại cho gia đình anh khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu đủ để anh trang trải cuộc sống, dù nhiều thời điểm giá mủ cao su xuống thấp.

Đoàn kết, chung niềm tin xây dựng Bình Dương phát triển - Ảnh 1.

Lễ rước cộ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

"GDP bình quân đầu người ở Bình Dương đạt 170 triệu đồng/người/năm, được T.Ư đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, và không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của T.Ư".

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương

Ông Phạm Minh Tâm - Bí thư Đảng ủy xã An Bình (huyện Phú Giáo) cho biết, ngoài cấp đất sản xuất, chính quyền tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện nhiều chính sách như xây dựng nhà cho các hộ đồng bào DTTS có khó khăn về nhà ở; cấp giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào tiếp cận, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, địa phương cũng quan tâm đến việc hỗ trợ người dân tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống.

Huyện Phú Giáo cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm đến những nơi có đông đồng bào DTTS; quan tâm thực hiện các chính sách về an sinh xã hội. Đến nay, trong tổng số 250 hộ đồng bào DTTS, cả xã chỉ còn 4 hộ nghèo. Hầu hết các hộ dân đồng bào DTTS đã vươn lên khá giả.

Với những chính sách của tỉnh nói chung và huyện Phú Giáo nói riêng, đời sống mọi mặt của người dân xã An Bình, cũng như đồng bào DTTS không ngừng nâng cao. "Qua đó, địa phương không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền sở tại" - ông Tâm nói.

Theo ông Trần Vĩnh An - Phó Ban trị sự Miếu Bà Thiên Hậu, đại diện 4 bang người Hoa TP.Thủ Dầu Một, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng là sự nghiệp của toàn dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp phát động nhiều phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, phong trào Ngày vì người nghèo, và các phong trào từ thiện xã hội khác.

Hội Tương tế người Hoa TP.Thủ Dầu Một - tổ chức đại diện của cộng đồng 4 bang người Hoa ở thành phố luôn hòa mình trong các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động. Mỗi năm, Ban Trị sự Miếu Bà đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo tỉnh, thành phố, các phường và các đơn vị kết nghĩa hàng tỷ đồng. Ông An cho biết, trong hoạt động của từng bang (Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Sùng Chính), tiêu chí Đoàn kết, tương trợ cùng phát triển luôn được đặt lên hàng đầu. Những hoạt động tương tế, khuyến học, khuyến tài thường xuyên được quan tâm, tạo sự đồng thuận cao trong bang dân.

Với tinh thần tương trợ, mỗi tháng, những hộ đời sống còn khó khăn ở từng bang đều nhận được hỗ trợ gạo, tiền mua bảo hiểm y tế. Những học sinh giỏi được biểu dương, khen thưởng. Người cao tuổi được tổ chức thăm hỏi, mừng thọ, đến khi hậu sự được cấp một phần huyệt mộ miễn phí. Nguồn quỹ từ khách thập phương đóng góp, từ các nhà hảo tâm trong cộng đồng người Hoa, người Kinh khắp nơi ủng hộ nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho Chùa Bà Thiên Hậu - Hội Tương tế Người Hoa TP.Thủ Dầu Một có những đóng góp tích cực cho các phong trào chung trong và ngoài tỉnh.

Những năm gần đây, số tiền chi cho công tác an sinh xã hội, hoạt động từ thiện hàng năm đều vượt hơn 4 tỷ đồng. "Đặc biệt, quá trình 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (2003-2023), kinh phí tập trung cho hoạt động này lên đến hơn 60 tỷ" - ông An chia sẻ.

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng -Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là chương trình ý nghĩa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng. Trong chặng đường xây dựng và phát triển của Bình Dương hơn 20 năm qua, công tác tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp, cộng đồng luôn được quan tâm, thực hiện tốt. "Công tác này đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông vươn lên trở thành một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - bà Hằng nói.

Bà Hằng chia sẻ thêm: "Các cấp ngành, chính quyền đoàn thể ở Bình Dương đã không ngừng củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh là một điểm nhấn".

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Bình Dương coi công tác xây dựng, củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là tình cảm và trách nhiệm của toàn xã hội. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp ngành cần tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm… để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; để mọi người dân được thụ hưởng nhiều hơn, trực tiếp hơn những thành quả đem lại từ sự phát triển của tỉnh. Trong đó, Ủy ban MTTQ có vai trò nòng cốt trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên những địa bàn có tính chất đặc thù.

"MTTQ cần hướng dẫn, phổ biến cách thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều đồng bào DTTS sinh sống; tạo cơ hội cho tất cả các tầng lớp nhân dân có điều kiện cùng tham gia, qua đó tăng cường, củng cố tình đoàn kết của nhân dân" – ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem