Doanh nghiệp lý giải "sinh viên các trường Kinh tế top đầu sau tốt nghiệp vẫn cần đào tạo lại"

Tào Nga Thứ tư, ngày 20/12/2023 08:58 AM (GMT+7)
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban đối ngoại, khối đào tạo ACCA Việt Nam cho hay: "Sinh viên từ các trường top đầu rất chủ động, thích ứng nhanh để sớm bắt nhịp với công việc. Tuy nhiên, khi ra trường, các em mới chỉ làm quen với văn hóa doanh nghiệp".
Bình luận 0

"Sinh viên từ các trường Kinh tế top đầu rất chủ động, thích ứng nhanh"

Nhận xét về chương trình học nói chung và đào tạo sinh viên ngành kiểm toán, kinh tế nói riêng hiện nay ra sao khi có ý kiến đánh giá dù là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các trường top đầu nhưng ra trường vẫn phải đào tạo lại, trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban đối ngoại, khối đào tạo ACCA Việt Nam cho hay: "Sinh viên từ các trường top đầu rất chủ động, có kiến thức nền tốt, thích ứng nhanh để sớm bắt nhịp với công việc. 

Tuy nhiên, khi ra trường, các em mới chỉ làm quen với văn hóa doanh nghiệp thôi. Các em cần phải tập thêm kỹ năng để thích ứng với từng mảng công việc khác nhau. Học là việc học suốt đời, nhất là lĩnh vực này cần học nhiều hơn nữa để đáp ứng sự thay đổi".

Doanh nghiệp lý giải "sinh viên các trường Kinh tế top đầu sau tốt nghiệp vẫn cần đào tạo lại" - Ảnh 1.

Sinh viên các trường top đầu được đánh giá cao kiến thức, chủ động, thích ứng nhanh. Ảnh: Tào Nga

Cũng theo bà Hạnh: "Hiện nay các trường nỗ lực thay đổi chương trình để sát với nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng quốc tế. Sự thay đổi của ngành nghề cũng là một vấn đề khó khăn với giảng viên. Không chỉ sinh viên phải học mà giảng viên cũng phải học để cập nhật nguồn kiến thức để giảng dạy cho sinh viên".

Đánh giá về mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, bà Hạnh cho biết: "Việc hợp tác đánh giá, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp cho sinh viên tiết kiệm thời gian, công sức.

Chúng tôi phối hợp với nhà trường trong việc hỗ trợ đào tạo giảng viên, để giảng viên tiếp cận, sử dụng được nguồn tài liệu… Ngoài các chương trình hỗ trợ cho người học, giảng viên về học thuật, chúng tôi cùng với khoảng 50 doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam triển khai các chương trình tiếp cận thực tế, hỗ trợ, giúp sinh viên toàn diện về kỹ năng mềm, giúp sinh viên tự tin hơn khi bắt đầu đi làm".

Đẩy mạnh mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, địa phương

"Sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo là một yếu tố bắt buộc. Chỉ như vậy sinh viên mới hiểu rõ được thị trường lao động và tích lũy được kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu trong quá trình học cũng như bước chân ra thị trường lao động. Theo thống kê, có khoảng gần 300 doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường", GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với PV trong Hội nghị Công giới năm 2023 diễn ra chiều ngày 19/12.

GS. Phạm Hồng Chương cho hay, mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa nhà trường với doanh nghiệp, mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn với các bài toán thực tiễn tại địa phương... đã đem lại hiệu quả cao trong giai đoạn vừa qua, góp phần đào tạo ra những con người đổi mới sáng tạo có năng lực dẫn dắt và lãnh đạo tổ chức. Cũng theo GS. Phạm Hồng Chương, sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà trường và các doanh nghiệp tạo ra những bước đột phá trong đổi mới sáng tạo, giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, cung cấp đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thông qua những hoạt động này cũng thể hiện sự trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Doanh nghiệp lý giải "sinh viên các trường Kinh tế top đầu sau tốt nghiệp vẫn cần đào tạo lại" - Ảnh 2.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: T.N

Hiệu trưởng nhấn mạnh, các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc thực tế. 

"Chúng ta sẽ xây dựng một cơ chế hợp tác phù hợp với sự tham gia của nhiều bên để cùng nhau tạo nên những giá trị mới. Tất cả nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực chiến và giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và tổ chức", GS Chương cho hay.

Không chỉ các trường được phát triển nhờ nguồn lực từ doanh nghiệp, địa phương, theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư HG - HG Holdings Group, hợp tác với nhà trường còn giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp nhận những kinh nghiệm trong kinh doanh từ các báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến quản trị, kinh doanh, đồng thời có khả năng tìm được nhân sự phù hợp cho hoạt động doanh nghiệp. Ông Ngô Minh Đức cũng bày tỏ kỳ vọng những hợp tác này sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, để góp phần vào phát triển công ty nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem