Đốc thúc xử lý, khắc phục khai thác IUU

Bình Minh Thứ bảy, ngày 23/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid–19 đã tác động mạnh đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn dẫn đến giá giảm. Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta...
Bình luận 0

Đây là những khó khăn trong khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hải sản 9 tháng đầu năm 2021, được ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nêu ra tại Hội nghị tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch Covid-19, diễn ra mới đây.

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển 9 tháng qua ước đạt 2,917 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ.

 Theo thống kê của các tỉnh, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính cho 3 tháng là 43.200 tàu/tháng, tương đương 4,6% cường lực khai thác (tháng 7 khoảng 9.800 tàu; tháng 8 khoảng 19.700 tàu, tháng 9 khoảng 13.700 tàu). Việc các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn.

Đốc thúc xử lý, khắc phục khai thác IUU - Ảnh 1.

Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) bán hải sản cho thương lái. Ảnh: Dũ Tuấn

"Kết quả triển khai các hoạt động phòng chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ thẻ vàng tại các địa phương còn chuyển biến chậm, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, xử lý tàu cá vi phạm pháp luật...".

Ông Nguyễn Quang Hùng

Các tỉnh, thành phố có số lượng tàu nằm bờ nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Đà Nẵng 1.680, chiếm 91,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3.252 chiếc, chiếm 64,72%; Khánh Hòa 3.269 chiếc, chiếm 58,58%...

Nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Đến ngày 16/10, vẫn còn 4 cảng cá vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách, tạm dừng hoạt động để phòng chống Covid-19 gồm: Nghệ An 1 cảng, Khánh Hòa 1 cảng, Bình Thuận 1 cảng, Bà Rịa - Vũng Tàu 1 cảng.

Theo ông Hùng, dịch bệnh còn tác động sâu đến chuỗi tiêu thụ thủy sản, doanh nghiệp không tiêu thụ được làm cho giá bán sản phẩm giảm 15-20% so với cùng kỳ.

Nỗ lực chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2021, ngành thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân, đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tháo gỡ thẻ vàng của EC. Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/2018, Nghị định số 42/2018 và các thông tư để trình ban hành trong quý IV/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.

Các địa phương tích cực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và đánh dấu tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản.

Đến nay, đã có 27.716 thiết bị được lắp đặt/ 30.615 tàu phải lắp, đạt khoảng 90,5% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, và 90,53% số tàu cá đã đánh dấu tàu cá theo qui định.

Một số tỉnh có tỷ lệ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thấp, mới đạt dưới 75% như: Quảng Ninh, Quảng Trị, Trà Vinh...

Về công tác ngăn chặn chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có xu hướng giảm dần, nhưng còn diễn biến phức tạp. 8 tháng đầu năm 2021, xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, giảm 21 vụ/35 tàu so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm như: Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang... tỉnh hình chưa có chuyển biến.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… 

Tuy nhiên, việc xử phạt chưa thật sự nghiêm minh, chưa đồng bộ giữa các địa phương, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị Bộ Y tế và các địa phương sớm tiêm vaccine cho ngư dân, xem xét hướng dẫn phương án xét nghiệm và các giải pháp phòng chống, chữa trị Covid-19 cho các lao động trên tàu cá làm việc dài ngày trên biển. 

Đồng thời đề nghị các địa phương sắp xếp, tổ chức linh hoạt công tác neo đậu tàu, bốc dỡ sản phẩm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, không để ứ đọng tại cảng... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem