Ngày 6/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đồng Nai tiếp tục làm việc với các địa phương để đưa ra các phương án phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân khó khăn…
Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, công an tỉnh và các địa phương đã hỗ trợ đưa người dân trở về quê hương theo nguyện vọng của họ. Tuy nhiên điều đó có nguy cơ khiến cho việc tái sản xuất của nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì có thể bị thiếu hụt lao động.
Vì vậy, theo ông Đạt, Đồng Nai nên có các động thái để giữ chân người lao động ở lại với địa phương để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Đạt nhấn mạnh, hiện nay nguyên nhân người lao động phải về quê là do bị thất nghiệp, mất thu nhập. Ngoài ra, cũng do đa số công nhân đều sinh sống tại các dãy nhà trọ chật hẹp, thiếu không gian nên bí bách, ngột ngạt.
Bên cạnh đó, các nhà trọ hầu như đều đã được xây dựng khá lâu, xập xệ, mất an toàn nên không đảm bảo được đời sống cho người lao động. Vì vậy, lâu nay các ca nhiễm Covid-19 tại các nhà trọ rất khó kiểm soát và có tốc độ lây lan nhanh.
Trước thực tế đó, ông Đạt đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng đưa ra những yêu cầu cần thiết đối với quy định trong xây dựng nhà trọ. Đồng thời có những nguyên tắc, quy định cụ thể để hoạt động kinh doanh nhà trọ và phải có ràng buộc rõ ràng với chủ nhà để đảm bảo được quyền lợi cho người lao động. Tránh để người lao động phải sống thiếu thốn trong môi trường chưa được đảm bảo đầy đủ như hiện nay.
"Không thể để chủ nhà chỉ biết thu tiền trọ của người lao động mà phải đưa ra được các yêu cầu để họ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người lao động. Việc giữ chân người lao động bằng cách đáp ứng một số nguyện vọng của họ là thiết thực", ông Đạt nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, liên quan đến việc đi lại, phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong ngày hôm nay, Đồng Nai đưa ra nhiều phương án mới. Theo ông Dũng, Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải căn cứ trên tiêu chí an toàn. Mục đích tránh việc doanh nghiệp vừa hoạt động đã phải đóng cửa.
Vì vậy, Đồng Nai cũng đề nghị các doanh nghiệp và cả người dân tự chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ chính mình để tránh phát sinh sự cố. Trước mắt, Đồng Nai sẽ không yêu cầu giấy đi đường đối với công nhân mà chỉ dựa vào ý thức của họ, cũng như thẻ đi làm do doanh nghiệp cấp. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp tại Đồng Nai có số lượng công nhân rất đông nên việc làm giấy đi đường rất phức tạp, mất thời gian và lãng phí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.