“Sông Tô Lịch bây giờ không còn là của nội đô Hà Nội nữa, sông còn nối với sông Nhuệ, sông Đáy và các tỉnh ở phía dưới. Cho nên những vấn đề ô nhiễm của dòng sông phải được các cơ quan chức năng của các địa phương quan tâm giải quyết, còn nếu Hà Nội vẫn nghĩ Tô Lịch là con sông của mình là sai… Theo đó, Hà Nội phải hỏi ý kiến của các chính quyền cơ sở ở dưới, xem họ có đồng ý cho anh xả nước hay không. Đây là vấn đề lớn. Nếu làm du lịch hay giao thông vận tải càng phải hỏi ý kiến họ, đây cũng là một nguyên tắc khi tất cả cùng dùng chung một dòng sông”, Giáo sư Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với PV Dân Việt.
Mới đây, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) cho biết, đơn vị đã trình UBND TP đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng. Đồng thời, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ lập phương án phát triển du lịch, giao thông thủy trên sông Tô Lịch.
GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam.
Về đề xuất này, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NNPTNT), nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đưa ra 3 vấn đề lưu ý, cần giải quyết.
Ba vấn đề then chốt
Trước tiên phải căn cứ vào mục tiêu phương án này. Đã gọi là giao thông đường thủy, du lịch thì phải đảm bảo việc thân thiện với môi trường. Cái này là tiêu chuẩn của Nhà nước, tất cả các vấn đề về du lịch, giao thông phải đảm bảo cảnh quan môi trường không bị ảnh hưởng. Với tiêu chí như vậy, sông Tô Lịch sau khi cho nước vào và xử lý mùi thì có thể làm được du lịch hay không?
“Câu trả lời của tôi là không làm được. Bởi vì sông Tô Lịch vẫn còn ô nhiễm lớn. Cái chính là chúng ta chưa khử được chất độc do nước thải dân sinh, và nước thải công nghiệp ra sông. Nên để làm được việc này quan trọng là phải đảm bảo được môi trường”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.
“Muốn đảm bảo môi trường thì phải cắt được đường dẫn nước thải dân sinh, công nghiệp và đưa được vào nhà máy xử lý rác thải thì mới đổ ra sông Nhuệ. Còn bây giờ, tất cả các chất thải này bao gồm CO2, DO (oxy bị phân hủy) khiến không khí ở đây rất ngột ngạt và kẽm poly- tức là vi khuẩn nguy hiểm gây ảnh hưởng đến con người. Nên nếu đi du lịch hay giao thông sẽ gây nguy hiểm với con người vì không thân thiện với môi trường”, GS.TS Hồng nói thêm.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km hiện đang trở thành "sông chết", bị ô nhiễm nặng do mỗi ngày phải chịu 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả vào sông.
Bên cạnh đó, GS.TS Hồng cho rằng việc mở nước hồ Tây vào sông Tô Lịch sẽ đem lại ô nhiễm cho sông Nhuệ, sông Đáy và một số khu vực thuộc tỉnh Hà Nam. “Tức là hàng ngày có bao nhiêu chuyến buýt thì có bao nhiêu lượng nước thải được chuyển xuống, kéo thêm ô nhiễm và làm loang ra. Theo nguyên tắc bảo vệ môi trường, chúng ta không được cho chất này loang rộng ra và phải xử lý ngay tại chỗ”, ông nói.
"Tại hồ Tây khi mùa mưa về nước sông Hồng lên thì nó thấm vào trong hồ theo mạch nước ngầm, khi nước sông Hồng xuống thì nó tự xuống, chứ không có đường nước nào vào. Bên cạnh đó, mực nước của sông Tô Lịch và hồ Tây chỉ có 15cm, vậy nếu mở thì chỉ chảy một lúc là hết". |
Vấn đề thứ hai, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh là về mặt kỹ thuật. Muốn làm được việc này phải cải tạo sông Hồng với nguồn kinh phí rất lớn.
Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu cải tạo lại sông Tô Lịch – tức là tuyến thoát nước, vì sông Tô Lịch từ thiên nhiên không còn nữa, con người đã cải tạo, lát, kè… “mục đích chính là biến sông Tô Lịch trở thành kênh thoát nước - nghĩa là nước thải từ các quận nội thành chảy ra rồi chảy đi chứ không phải là có dòng chảy tự nhiên”.
Theo ông, muốn tạo dòng chảy phải thiết kế lại “kênh” này. Thiết kế về độ rộng, chiều sâu, độ dốc để nước có thể chảy từ hồ Tây về sông Nhuệ. Hiện nay, các nhà khoa học của Hội Thủy lợi đang đề xuất một đề tài khoa học nghiên cứu cải tạo kênh thoát nước này để có thể vận tải thủy được.
“Việc cải tảo tại này là vấn đề rất lớn, nó sẽ động chạm đến tất cả các khối đất liên quan đến sông Tô Lịch. Ví như phải đào bớt hoặc xây thêm. Việc này khó khả thi về mặt kỹ thuật, cho nên hiện nay họ đang xin đề tài nghiên cứu, chứ chưa ai tiến hành nghiên cứu”, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho hay.
Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng.
Một vấn đề quan trọng nữa được GS.TS Vũ Trọng Hồng đề cập đến là “nguồn nước liệu có đủ” để thực hiện dài lâu hay không?. Bởi, nếu cứ mở cửa xả nước, hồ Tây sẽ bị cạn và bị ô nhiễm.
“Nên nhớ rằng, nước từ sông Hồng vào hồ Tây là nước ngầm mà nước ngầm thì nó thấm vào rất lâu còn anh xả nước từ hồ Tây sang Tô Lịch thì sẽ chảy rất nhanh… Hiện nay nguồn nước để tạo thành dòng chảy của sông Tô Lịch là không có, nếu muốn tạo thành nơi du lịch, giao thông mà không đảm bảo được nguồn nước thì dự án này không khả thi”, GS.TS Vũ Trọng Hồng lưu ý.
Đừng làm ngược quy trình
Đáng chú ý, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NNPTNT) cho rằng, hiện nay TP. Hà Nội và các Sở, ngành “rất bí và không biết làm thế nào”. Cho nên, khi chuyên gia Nhật Bản vào đề nghị thí nghiệm cũng đồng ý; công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất “mở nước” cũng đồng ý,… chưa một dự án nào được đưa ra đánh giá.
Theo ông, những vấn đề liên quan đến việc này phải được Bộ Khoa học Công nghệ xem xét về mặt kỹ thuật; Bộ Du lịch xem xét có thân thiện mới môi trường hay không; Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét đánh giá tác động môi trường. Thậm chí, nếu biến sông Tô Lịch từ chỗ là kênh thoát nước thành nơi vận tải thủy thì Bộ Giao thông vận tải phải “nhảy” vào.
“Tôi đồng ý với ý tưởng khai thác sông Tô Lịch tuyến giao thông vận tải đường thủy, du lịch. Nhưng phải lập được dự án để đánh giá các điều kiện về mặt kỹ thuật, về ô nhiễm môi trường và kinh phí, kể cả phần giải tỏa,…chứ bây giờ chỉ xả nước vào mà cho tàu, thuyền chạy thì không thể chạy nổi”, GS.TS Hồng nói.
Mới đấy, do mực nước hồ Tây cao hơn quy định, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước ra sông Tô Lịch khiến sông đỡ ô nhiễm hơn.
Bên cạnh đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng cũng lưu ý, TP cũng phải tính đến việc nếu quy hoạch sông Tô Lịch phát triển thành du lịch, vận tải thủy thì nên chú ý đến việc sử dụng của con người: Nhà hàng mọc lên ven bờ, nhà hàng của người dân, của nhà kinh doanh người ta làm cái nhà nổi, thì liệu có làm được không?.
"Chúng ta phải có kế hoạch: liệu có đủ tiền làm hay không; làm trong bao lâu; thiết kế công trình thế nào…, lúc đó mới đi vào phê duyệt. Bên cạnh đó, TP phải tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn dòng sông Tô Lịch, không xả thải ra sông", GS.TS Vũ Trọng Hồng. |
Từng làm quản lý nhiều dự án, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng bất kỳ dự án nào cũng phải được đánh giá các phương án có khả thi hay không, sau đó bắt đầu xây dựng thành kế hoạch rồi đi vào thiết kế, lập dự án. Theo đó, về vấn đề sông Tô Lịch phải có quy hoạch, mời các chuyên gia trong nước, nước ngoài để đánh giá. Được thì chúng ta bắt đầu làm dự án.
Dự án phải đi sau, nhưng hiện nay người ta lại để dự án đi đầu là sai lầm. Sông Tô Lịch phải được quy hoạch lại, chứ giờ tôi chưa thấy Nhà nước, chưa thấy ai nói lên quy hoạch lại sông Tô Lịch mà ai cũng đề nghị sử dụng nó trong lúc nó bị chết từ lâu rồi. Theo tôi, Dự án sông Tô Lịch này phải đi sau quy hoạch sông Tô Lịch. Bởi vì, kiến thức về vấn đề này, xã hội yếu lắm. Cái gì cũng muốn dùng trong lúc quy hoạch không làm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng lên án.
Theo ông, quy hoạch sông Tô Lịch cũng phải tính đến tuổi thọ, “trăm năm sau liệu sông Tô Lịch có còn hay không”.
“Quy hoạch phải như thế, sông Tô Lịch người ta đã sống bao nhiêu đời rồi, để chúng ta cải tạo lại, phải để cho nó sống. Theo tôi, sông Tô Lịch phải trở thành tuyến giao thông thủy tốt cho Hà Nội. Chứ không phải chúng ta chỉ làm theo nhiệm kỳ, như vậy là không đủ”, GS.TS Hồng nhấn mạnh.
Sẽ phải làm cống nước thải ngầm dọc sông Tô Lịch?
Đề cập đến dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, trong đó, tương lai sẽ có một hệ thống cống nối dọc hai bờ sông Tô Lịch (nước thải không xả ra sông Tô Lịch) sau đó được đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá làm sạch rồi mới đưa xuống hạ lưu, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói: “Làm như vậy là đúng. Phải cắt được nước thải, sau đó giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, đền bù, cải tạo.
Nếu không vẫn xả nước ô nhiễm ra sông Tô Lịch, rồi xả nước, đưa dịch, vi khuẩn xuống sông Nhuệ từ đó vào sông Đáy rồi chuyển các vùng Chương Mỹ, Mỹ Đức,… Hà Nam là chết”.
Tuy nhiên, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhìn nhận: “Hiện nay, tôi thấy khu vực làm đường ống bây giờ bị TP mở rộng ra làm đường giao thông ở đoạn đường Láng (đường đi bộ). Bây giờ muốn làm hệ thống cống này thì phải đào đường lên hoặc phải làm đường ngầm, mà đào ngầm thì có rất nhiều vấn đề đáng phải lưu tâm (đổ đất ở đâu, giải phóng mặt bằng, sạt lở hai bên, cảnh quan môi trường…”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.