Dự án được đánh giá sẽ có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn, tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường - hệ sinh thái ở đây cũng đang rất được dư luận quan tâm.
Mở rộng quy mô đến hơn 2.800ha
Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Khu đô thị này được điều chỉnh từ 600ha lên 2.870ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng. Cụ thể, diện tích đất xây dựng cho các khu chức năng là 1.998ha, diện tích mặt nước biển nhân tạo, kênh dẫn 872ha. Mục tiêu sẽ xây dựng khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở...
Dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: Huyện đang phối hợp với UBND TP.HCM, chủ đầu tư cùng các bên liên quan sớm công bố quy hoạch mở rộng dự án nói trên.
Trước đó, từ năm 2004, UBND TP.HCM quyết định giao Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính. Đến giữa năm 2015, thành phố đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược để dự án được tiếp tục thực hiện...
Kỳ vọng lợi ích kinh tế - xã hội lớn
Phần diện tích biển 600ha đã giao cho nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thông tin từ CTC cho hay: Dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18km về phía Bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn, nằm kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7km và sông Lòng Tàu là 4,5km; cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17km về phía Tây Bắc và cách khu căn cứ Vàm Sát đảo Khỉ 4km.
Phải có biện pháp giảm thiểu tác động
Liên quan đến việc xem xét, đánh giá, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường (Bộ TNMT), cho biết vụ này ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét dự án để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và việc xem xét phải đặt trên các mục tiêu cụ thể. "Trong đó thực hiện dự án nhưng phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ. Phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường" - ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải: Với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình toán cho thấy dự án chỉ tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
T.L
Quy mô dân số dự kiến của dự án là 228.500 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đặc biệt dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động; tạo ra quỹ đất đủ lớn, tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh… Đặc biệt, dự án sẽ góp phần tăng không gian xanh, không gian nghỉ ngơi giải trí cho người dân trung tâm, giãn dân, giảm sức ép đô thị…
Dự án khi hoàn thành sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP.HCM. Ngược lại, dự án còn giúp tiết kiệm ngân sách trong các hoạt động bảo vệ đê, kè, trồng cây chống xâm thực…
Phải giữ được môi trường thiên nhiên, hệ sinh thái
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Trong tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300ha của huyện, có trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông...
Hơn 15 năm trước, khi dự án được khởi động, nhiều ý kiến chuyên gia, người dân mong muốn dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ phải được đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, kể cả môi trường thiên nhiên, những hệ sinh thái của các chủng loài và môi trường xã hội, trước mắt cũng như lâu dài trong tầm nhìn ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chia sẻ với báo chí về dự án trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, cho hay: Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá tác động môi trường ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành. "Đầu tư phát triển các dự án lớn với những ý tưởng khác biệt luôn tạo ra các câu hỏi về bền vững môi trường. Những vấn đề cần đặt ra phải làm và một chủ đầu tư có trách nhiệm đã cam kết là đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư. Vấn đề tiếp theo là triển khai hệ thống giám sát và đánh giá tác động môi trường như thế nào để tất cả đều yên tâm... Hy vọng, dự án sẽ sớm tạo dựng được một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt trên thế giới".
Ông Bùi Khánh Nhiều (82 tuổi, cư dân huyện Cần Giờ) kỳ vọng dự án nếu triển khai thành công sẽ tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế, xã hội cho Cần Giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.