Dự thảo quy hoạch TP.HCM tầm nhìn đến 2050: Cần thiết có đường Vành đai 5
Dự thảo quy hoạch TP.HCM tầm nhìn đến 2050: Cần thiết có đường Vành đai 5
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 31/01/2024 19:26 PM (GMT+7)
Tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 31/1 tại TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh nêu lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho hay, quy hoạch mạng lưới giao thông của vùng TP.HCM hiện có Vành đai 3, Vành đai 4 đang đầu tư và một số tuyến cao tốc như TP.HCM - Chơn Thành đã có dự án, đường TP.HCM đi Đức Hòa – Long An. Tỉnh Bình Dương còn đang định hướng, đề xuất TP.HCM đưa vào quy hoạch vùng làm đường Vành đai 5, kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo ông Dành, nếu không đầu tư Vành đai 5 từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn rất lớn trong tương lai. Vành đai 5 sẽ không chỉ đóng vai trò giảm ách tắc giao thông mà còn tạo ra không gian phát triển mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của vùng, nối từ Tây Nguyên qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải. TP.HCM đã phát triển (các dịch vụ đô thị, dân cư, khu công nghiệp...) gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.
Riêng tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP.HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng nhìn nhận, vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng đang là nhu cầu bức bách. Bởi với cự ly chỉ khoảng 100km từ Tây Ninh đi TP.HCM nhưng đã tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Ông Thắng đề nghị TP.HCM ưu tiên, dành nguồn lực phát triển cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tuyến Xuyên Á, nghiên cứu phát triển đường sắt kết nối các tỉnh, thành lân cận, mở rộng không gian phát triển vùng.
Bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Phước đề nghị TP.HCM cập nhật lại các tuyến đường 13B, 13C kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để hoàn thiện mạng lưới giao thông liên kết vùng. Các tuyến này cũng đóng vai trò kết nối với các tuyến vành đai của TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.