Đưa nghề may về nông thôn

Thứ năm, ngày 17/10/2013 09:10 AM (GMT+7)
Không chỉ là người đầu tiên đưa nghề may về quê hương, giờ đây, cơ sở may của ông Nguyễn Đình Chung (xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) còn được Sở Công Thương tỉnh chọn là địa điểm dạy nghề may cho lao động nông thôn.
Bình luận 0
Đưa nghề mới về quê

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng, cũng như bao gia đình khác, cuộc sống của gia đình ông Chung quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn hết sức khó khăn. Ông nghĩ nhiều cách để thoát nghèo, như thuê 6 sào đất đầm lầy của xã cải tạo thành ao nuôi thủy sản, rồi trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng mọi con đường làm kinh tế đều dẫn ông đến ngõ cụt.

Ông Chung (trái) hướng dẫn công nhân dệt vải.
Ông Chung (trái) hướng dẫn công nhân dệt vải.

Không chấp nhận số phận, năm 1994, để vợ con ở lại quê, ông khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. “Muốn làm giàu, phải có một nghề ổn định”-ông Chung suy nghĩ. Định hướng là vậy nhưng khi vào đây cũng phải mất một thời gian, ông mới tìm ra hướng đi của mình khi học được nghề may.

Lúc bấy giờ nghề may ở đây cũng như các tỉnh, thành khác chưa phổ biến, chưa có nhiều người biết và làm nghề. Nhiều năm làm công nhân may găng tay và khẩu trang cho các xí nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, với sự cần cù ham học hỏi, ông đã tích lũy được một số vốn và kinh nghiệm kha khá về nghề may. Điều ông nhận ra, nghề này không đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như tay nghề, chỉ cần lao động phổ thông cũng có thể làm nghề được.

Năm 1998, ông Chung nảy ý định: “Tại sao không dùng số vốn đang có về quê mở xưởng may, đem nghề may dạy lại cho lao động trong xã, vừa có thể tạo ra cơ hội việc làm cho những lao động nông nhàn vừa nâng cao thu nhập cho con em”. Nghĩ là làm, ông bắt tay và mở xưởng trên mảnh vườn trồng cây ăn quả của gia đình, khởi nghiệp với 30 máy may và chiêu sinh gần 30 lao động vào làm, các mặt hàng mà xưởng ông sản xuất chủ yếu là đồ bảo hộ lao động. Là nghề mới nên khi bắt tay vào thực hiện, ông Chung kiêm luôn giáo viên dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân.

Nhân rộng nghề

Sau học nghề, công nhân ở xưởng may của ông Chung đã thành thạo nghề và có thể trực tiếp đứng máy để sản xuất ra các sản phẩm. Cũng nhờ vậy mà xưởng may của gia đình ông thường xuyên nhận được nhiều đơn đặt hàng nên doanh thu tăng đáng kể. Không chỉ dạy nghề cho lao động ở địa phương, ông Chung còn mở rộng đối tượng lao động ra các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn...

Với mong muốn dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều hơn nữa lao động trong và ngoài tỉnh, năm 2004 doanh nghiệp tư nhân Trịnh Chung được thành lập và sau đó mở thêm 2 chi nhánh ở thị trấn Gia Bình (Bắc Ninh) và quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, giao cho 2 người con trai của ông điều hành.

Toàn xã Xuân Lai hiện có gần 50 xưởng may với hơn 1.000 lao động. Riêng công ty của ông Chung đang tạo việc làm cho gần 200 công nhân với thu nhập từ 3-5 triệu/người/tháng.


Năm 2007 Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã chọn Công ty ông Chung là địa chỉ mở lớp dạy cắt may công nghiệp cho 30 học viên. Năm 2008 mở lớp dạy thêu vi tính cho 100 học viên trong thời gian 3 tháng. Kết thúc khóa học, một số học viên có tay nghề tốt sẽ ở lại làm việc tại công ty, một số làm nghề trong các xí nghiệp, xưởng may.

Học nghề từ xưởng của ông Chung nhiều lao động trong xã đã ra mở xưởng may hoặc công ty riêng như gia đình chị Nguyễn Thị Lý(xã Xuân Lai). Chị Lý chia sẻ: “Trước đây, tôi đã học được nghề may từ ông Chung, giờ có nghề, tôi đã có thể mở xưởng may riêng. Không chỉ có thu nhập ổn định tôi còn dạy nghề và tạo việc làm cho 15 công nhân trong xã”.
Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem