Được bán mang về, vì sao hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 11/09/2021 12:21 PM (GMT+7)
Không nhân viên tất bật dọn dẹp như các đợt nới lỏng trước, không hé mở cửa, hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng im ỉm dù đã được phép mở lại, bán mang về 3 ngày nay.
Bình luận 0

Trái với vẻ háo hức trước thông tin TP.HCM cho phép các dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại và chỉ được bán mang về, cửa các nhà hàng, quán ăn vẫn đóng.

Gặp khó vì xét nghiệm, thiếu shipper

Ghi nhận của Dân Việt trên các tuyến đường tập trung nhiều hàng quán tại TP.HCM như Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Vạn Kiếp, Phan Xích Long, Sư Vạn Hạnh, Cao Thắng…, rất hiếm cửa hàng mở bán lại. Số lượng nơi mở bán không tăng thêm, mà ngược lại, có cửa hàng vui vẻ mở bán trong ngày 9/9 nhưng sau đó phải đóng cửa.

Được bán mang về, vì sao hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa? - Ảnh 1.

Một dãy quán ăn trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh vẫn chưa mở lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Cửa hàng phở, hủ tiếu trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) là một trong số những quán hiếm hoi bán lại vào ngày 9/9. Tuy nhiên, hôm sau, đã cửa đóng then cài, bên ngoài treo bảng thông báo "tạm nghỉ". Nguyên nhân là chưa đáp ứng được các quy định về xét nghiệm cho người lao động và "3 tại chỗ".

Theo quy định của UBND TP.HCM, dịch vụ ăn uống được mở lại và chỉ bán mang đi thông qua shipper công nghệ. Các cửa hàng phải có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", người lao động phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) -  cho biết thêm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện nguyên tắc "4 tự": Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình. Việc lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành với tần suất 3 ngày/lần.

Chủ nhiều quán ăn cho biết với mô hình kinh doanh cá thể, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, việc đáp ứng các điều kiện này là khá khó khăn.

Được bán mang về, vì sao hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa? - Ảnh 3.

Một quán ăn hiếm hoi trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) mở bán mang về. Ảnh: Hồng Phúc.

Chị Cúc, chủ một quán cơm trên đường Lê Quang Định cho biết, chị và những người kinh doanh rất mừng khi được mở lại, nhưng các quy định quá nghiêm ngặt, chưa kể chỉ được bán qua ứng dụng công nghệ, mà hiện lực lượng shipper chỉ được hoạt động nội quận, dẫn đến doanh thu ít, chi phí cao.

"Thịt heo, rau củ quả đều tăng giá, cộng thêm chi phí vận chuyển về hàng ngày, rồi lại tiếp tục cộng thêm chi phí giao hàng thông qua shipper. Những ngày qua, phí ship vô cùng đắt, tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Lại thêm phí xét nghiệm cho nhân viên, kit test thì đâu phải rẻ. Thu nhập người dân lại khó khăn nên tôi chưa vội mở lại, mở bán trong lúc này khó vô cùng", chị Cúc nói.

Phải chờ hướng dẫn

Trong khi đó, chủ nhiều cửa hàng cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn chi tiết về các quy định được mở quán trở lại từ phường. Theo họ, trong lúc chưa được hướng dẫn, chưa được kiểm tra trước khi bán thì sẽ rất dễ bị phạt nếu cơ quan chức năng kiểm tra.

Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi như nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa… cũng đang gặp khó khăn trong việc chờ hướng dẫn cụ thể từ phường đến quận. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp F&B, do vận hành theo mô hình chuỗi, phía doanh nghiệp đã liên hệ xin cấp giấy đi đường nhưng hiện vẫn đang chờ.

Nhiều chuỗi F&B lớn thuộc hệ thống Golden Gate, Red Sun, Highlands Coffee, The Coffee House... sau đúng 2 tháng ngưng hoạt động đến nay vẫn đóng cửa. Một số chuỗi khác với số lượng cửa hàng nhỏ hơn như cơm tấm Phúc Lộc Thọ, Con gà mái… duy trì bán thực phẩm như thịt tươi sống, thịt ướp sẵn, rau củ quả để bán thông qua ứng dụng, thay vì quay lại bán cơm mang về.

Được bán mang về, vì sao hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa? - Ảnh 4.

Chuỗi nhiều hàng, quán ăn cũng chưa rục rịch mở lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, qua theo dõi vài ngày đầu hàng quán tại TP được bán mang về, nguồn nguyên vật liệu chủ yếu là tinh bột, hải sản, thịt gia cầm, rau, củ, gia vị… là không thiếu. 

Theo ông, TP.HCM có tổng số hơn 7.500 doanh nghiệp, hơn 10.000 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống. Cách thức vận hành của các loại hình kinh doanh được quy định tại Công văn 2994/UBND-ĐT của UBND TP là "An toàn tới đâu, mở tới đó", đảm bảo "3 tại chỗ" và chỉ phục vụ bán mang về thông qua đội ngũ giao hàng shipper trong phạm vi nội quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Ông Phương nói thêm, một số nhà cung cấp nguyên vật liệu chưa có giấy phép thông hành nên việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho các đơn vị kinh doanh có sự chậm trễ... Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND TP để có chỉ đạo điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem