Đường sắt thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, "đau đầu" tìm cách khắc phục
Đường sắt thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, "đau đầu" tìm cách khắc phục
Thế Anh
Thứ ba, ngày 17/09/2024 11:29 AM (GMT+7)
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt bị thiệt hại năng nề về kết cấu hạ tầng đường sắt do bão số 3 gây ra.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam vừa tiếp tục có báo cáo tình hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão tới ngành đường sắt.
Về thiệt hại đối với tài sản và con người của doanh nghiệp do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt bị thiệt hại năng nề về kết cấu hạ tầng do bão số 3 gây ra.
Cụ thể, về con người, có 1 người bị thương hiện đang điều trị tại TT Y tế huyện Văn Yên (đang kiểm tra thiết bị tại ga Lâm Giang, tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai thì bị lũ vùi lấp).
Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư thiệt hại khoảng 130 tỷ (trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây TTTH)
Doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 48 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về tài sản do Doanh nghiệp đầu tư là 20 tỷ đồng bao gồm: Có 17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào; Thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt là 28 tỷ đồng do bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách. Hiện nay, Tổng công ty vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Về việc chủ động tổ chức phòng chống bão, ông Khánh cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung ứng phó bão số 3 và hoàn lưu bão.
Đơn vị đã kịp thời ban hành các Công điện khẩn gửi đến các đơn vị thuộc Tổng công ty và các đơn vị liên quan trong công tác ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão nên tất cả các đơn vị đã chủ động bố trí lãnh đạo, người lao động trực, chốt gác tại nơi làm việc, các điểm xung yếu.
Trong chiều, đêm ngày 07/9/2024 và rạng sáng ngày 08/9/2024 khi bão đổ bộ vào đất liền, trên khu vực các tuyến đường sắt phía Bắc đã có mưa to đến rất to, gió lớn làm gẫy đổ nhiều cây, cột điện, cột thông tin vào đường sắt, tốc mái, hư hại nhà ga, nhà cung cầu, cung đường, nhà lưu trú đặc biệt các tuyến Đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (đoạn thuộc địa phận TP Hà Nội), Gia Lâm - Hải Phòng, Kép - Hạ Long - Cái Lân, Hà Nội - Đồng Đăng.
Các đơn vị đã chủ động di chuyển người và một số thiết bị tài sản đến vị trí an toàn và cử người tổ chức giải phóng các chướng ngại ảnh hưởng đến chạy tàu; tháo dỡ, di chuyển một số thiết bị thông tin tín hiệu đến nơi an toàn, nối thông đường dây thông tin bị đứt.
Trong khoảng thời gian từ ngày 08/9/2024 đến 12/9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất tại một số vị trí xung yếu đặc biệt tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai.
Các đơn vị cũng đã chủ động tháo dỡ một số thiết bị đưa đến nơi an toàn và thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, ngay sau khi nước rút, tình trạng sạt lở giảm, các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để kịp thời xây dựng phương án cứu chữa, tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác cứu chữa, đảm bảo thông tàu trong thời gian nhanh nhất.
Khẩn trương khắc phục, sửa chữa hạ tầng đường sắt
Tổng công ty cũng đã chỉ đạo lên phương án khắc phục và trang bị một số máy móc cần thiết để phục vụ chạy tàu sau khi thông tuyến; đến nay chỉ còn tuyến Yên Viên – Lào Cai dừng chạy tàu do đang khắc phục các điểm trôi nền đá, nền đường, sạt lở đất và dự kiến thông tuyến, chạy tàu trở lại ngày 15/9/2024 (nếu không có thời tiết, lũ lụt bất thường).
Song song đó, các đơn vị chịu ảnh hưởng bởi cơn bão cũng chủ động tới thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3.
Cụ thể như sau: Số người lao động bị thiệt hại tài sản: 887 người với số tiền khoảng 29,0 tỷ đồng, trong đó, đã chi hỗ trợ 554 triệu đồng, dự kiến hỗ trợ tiếp trên 3,0 tỷ đồng; Hỗ trợ người dân, địa phương bị ảnh hưởng khoảng 200 triệu;
Về công tác hỗ trợ vận tải miễn phí: đã vận chuyển 60 tình nguyện viên từ Huế đến Hải Phòng và ngược lại; đã và đang vận chuyển 620,6 tấn hàng hoá (nhu yếu phẩm, nước, thuốc men, quần áo, sách vở, dụng cụ thiết bị y tế...) từ các ga Sóng Thần, Nha Trang đi các ga Giáp Bát và dự kiến đến ga Yên Bái, Lào Cai.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến với Bộ GTVT, Bộ Tài chính quan tâm bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác sửa chữa, khắc phục đối với thiệt hại về tài sản do Nhà nước đầu tư.
Đối với thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư và doanh thu vận tải đường sắt bị sụt giảm, vì vậy, đường sắt đề nghị cấp thẩm quyền xem xét tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho các năm tiếp theo và có các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với thiệt hại của người lao động ngành Đường sắt: Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN còn gặp nhiều khó khăn, nên việc hỗ trợ cho người lao động ngành đường sắt của Tổng công ty còn hạn chế, kính đề nghị cấp thẩm quyền, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống cho người lao động ngành Đường sắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.