EVN "cầu cứu": Bất cập khi bán điện mặt trời!

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 07/08/2020 16:11 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mới đây, đơn vị này có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xử lý vướng mắc về việc phân biệt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) gây khó khăn trong hoạt động mua bán điện thời gian qua.
Bình luận 0

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đối với dự án điện mặt trời mặt đất, giá bán là 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh. Trong khi đó, đối với hệ thống ĐMTMN, giá bán là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh.

Tuy nhiên, đại diện EVN cho rằng, định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình ĐMTMN đang tồn tại rất nhiều bất cập. Nguyên nhân là do hiện tại có rất nhiều dự án ĐMT gần 01 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp. Theo đó, cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định đây có phải là mô hình ĐMTMN hay không.

Ngoài ra, hệ thống thuật ngữ và cách giải thích để xác định "tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà" theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức "mái nhà" rất đa dạng (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon,…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ,…), trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Bất cập định nghĩa "mái nhà" gây khó khi bán điện mặt trời, EVN "cầu cứu" - Ảnh 1.

Bất cập trong cách xác định hệ thống ĐMTMN khiến việc mua bán loại năng lượng này gặp khó khăn.

"Hiện nay, có nhiều hệ thống ĐMTMN được đầu tư theo cụm 3-8 MW (mỗi dự án < 1MW) tại cùng 1 địa điểm, của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm,... cũng gây khó khăn cho ngành Điện trong việc xác nhận hệ thống ĐMTMN để ký hợp đồng mua bán điện.

Đó là chưa kể, quy định khác nhau của các địa phương về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…); về quản lý xây dựng, đất đai,… cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực", đại diện EVN cho hay.

Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của các cơ quan liên quan, EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực công khai thỏa thuận mua bán điện, khả năng giải tỏa công suất từng trạm biến áp, từng khu vực,… để nhà đầu tư nắm được thông tin.

Trước đó, liên quan đến các ý kiến cho rằng, giá FIT (chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo) điện mặt trời của Việt Nam đang được bán quá cao, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư.

Vào năm 2016, cơ chế giá FIT bắt đầu được xây dựng và đến 2017 giá FIT (9,35 USC/kWh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Vào thời điểm đó giá FIT 9,35 USC/kWh là hợp lý. Tuy nhiên, sau một năm do những biến động của thị trường năng lượng điện mặt trời, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

Do lường trước được xu thế phát triển của điện mặt trời nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 cũng đã đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống chỉ còn 7,09 cent/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem