FPT nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19: Nghĩa cử rất cao đẹp
FPT dự định mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19: "Nghĩa cử rất cao đẹp"
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 17/09/2021 16:16 PM (GMT+7)
Trước việc Chủ tịch FPT hứa sẽ nuôi dạy và đào tạo liên tục 20 năm đối với những trẻ em mồ côi do Covid-19, dự kiến địa điểm tại FPT City Đà Nẵng, nhiều người cho rằng đây là nghĩa cử rất cao đẹp.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19. Dự kiến địa điểm tại FPT City Đà Nẵng - một khu đô thị thông minh, hiện đại với hạ tầng hoàn chỉnh.
Ngay sau khi thông tin được chia sẻ, đa phần ý kiến đều cho rằng đây là một sáng kiến đầy tính nhân văn của Chủ tịch FPT trong bối cảnh các em bé mồ côi gần như không nơi nương tựa và có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Đây là nghĩa cử rất cao đẹp, thể hiện cái tâm của người doanh nhân Việt Nam muốn tạo ra những giá trị cho xã hội, muốn thể hiện trách nhiệm xã hội của từng công dân trong điều kiện của mình".
"Điều đó làm chúng ta cảm thấy trân trọng họ. Dịch bệnh Covid-19 như "thảm hoạ", gây ra tổn thương không thể đảo ngược lại cho cộng đồng. Đặc biệt, đối với những đứa trẻ thì tổn hại đó còn nhiều hơn nữa khi các em mất hết cả cha mẹ trong đại dịch.
Việc hỗ trợ trẻ em mồ côi phải lâu dài bởi các cơ quan, chính sách chứ không thể nào giống "mưa rào có đợt" được. Cho nên những người nhìn ra được nhu cầu đó và sẵn lòng bỏ ra khoản tiền lợi tức đầu tư cho xã hội giống như ông Trương Gia Bình rất đáng quý, thể hiện tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của truyền thống dân tộc", ông Trần Thành Nam thông tin.
Ông Nam cho rằng, chọn môi trường nào tốt nhất cho các em mồ côi đó là quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn FPT. Trong môi trường thiếu sinh quân - nơi các em có thể thể hiện bản thân mình, là nơi có không gian thay thế cho các em, để các em khỏi tủi thân.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết: "Với các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao. Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.
Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học," ông Bình khẳng định.
"Việc tập trung những em nhỏ mồ côi với cùng các bạn chung cảnh ngộ sẽ giúp các em động viên nhau, chia sẻ tạo nên mối quan hệ thân tình, ý nghĩa trong cả cuộc đời, giúp các em vượt qua biến cố, những giai đoạn chạnh lòng đã qua.
Tôi nghĩ môi trường thiếu sinh quân sẽ là nơi giáo dục mang tính chất cá nhân hoá, giúp các em phát triển được tiềm năng của mình. Những ai giỏi nghệ thuật sẽ học nghệ thuật, ai giỏi công nghệ sẽ học công nghệ… Với triết lý giáo dục như vậy, tôi cho rằng sẽ phù hợp và không lãng phí tiềm năng của các bạn này".
"Trẻ mồ côi cần phải tạm thời ngắt ra khỏi bối cảnh gây nên sang chấn"
Đồng quan điểm với ông Trần Thành Nam, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ, sau dịch Covid-19, nhiều gia đình có cha mẹ, người lớn mất do Covid-19, số lượng trẻ em mồ côi giai đoạn này được thống kê rất nhiều.
"Tôi nghĩ trong giai đoạn này có hoạt động nào hỗ trợ cho các cháu đều đáng trân trọng. Có một trường học cho trẻ em mồ côi, tôi nghĩ đó là việc làm hay, sáng kiến rất đáng khuyến khích. Có trường rồi các đơn vị, doanh nghiệp nào muốn hỗ trợ thêm cho các cháu cùng với Tập đoàn FPT thì rất tốt.
Sáng kiến này nên nhân rộng ra nhiều địa phương khác, không nhất thiết chỗ nào cũng là trường học nhưng hỗ trợ cho các trẻ nhỏ có cuộc sống đỡ vất vả hơn khi không còn cha mẹ, không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần, văn hoá, giáo dục, vui chơi, giải trí…", bà Hồng nói.
Bà Hồng cho hay, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả rất nặng nề, một số lượng lớn trẻ em không còn cha mẹ, ông bà là chỗ dựa. Đó là vấn đề rất không chỉ riêng TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
"Ngoài sáng kiến của mạnh thường quân như FPT hay một số đơn vị khác thì nhà nước cũng nên có chính sách thống nhất cho các trẻ nhỏ mồ côi cha mẹ trong đợt dịch này. Trường có thể xây được mọi nơi, tuy nhiên không phải cháu nào cũng đến được trường. Do vậy, các cháu không đến được trường như trên vẫn nhận được sự hỗ trợ chung của nhà nước, cộng đồng nơi các cháu sinh sống", bà Hồng nhấn mạnh.
Trước một số ít người lo ngại, việc tập trung các em, đa phần ở TP.HCM, phải xa nhà, xa những người thân thích còn lại tới Đà Nẵng sống và học tập trong thời gian dài có chưa phù hợp, bà Hồng cho rằng: "Trước mắt tôi nghĩ rằng ở TP.HCM việc tìm cơ sở xây dựng ngay lúc này có thể khó hơn Đà Nẵng vì Đà Nẵng điều kiện đất đai, trang thiết bị đã sẵn có. Tôi đồ rằng trước khi đưa ra quyết định này, Tập đoàn FPT đã có cân nhắc kỹ lưỡng".
Còn ông Trần Thành Nam nhận định: "Trong giai đoạn đầu khi trẻ tiếp xúc với những yếu tố luôn luôn làm gợi nhớ những tai nạn đã qua sẽ làm cho các em rơi vào trạng thái hoảng loạn. Cho nên, môi trường mới giúp cho các em có thể thích nghi để khởi đầu. Các em nhỏ học từ Đà Nẵng đến TP.HCM cũng không xa, các em chỉ mất 1-2 tiếng đã trở về quê nhà của mình".
Theo kế hoạch, Khu đô thị Công nghệ FPT City Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) sẽ là nơi Tập đoàn FPT dùng để đào tạo các em nhỏ mồ côi từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học. Đến thời điểm hiện tại, Khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng đã có các trường Tiểu học - Trung học cơ sở (FPT School), trường Trung học phổ thông (THPT) và Đại học FPT (FPT University)…
Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Đây là mô hình giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.