Gần Tết, giá lá trầu tăng cao, nông dân Hậu Giang phấn khởi thu lợi nhuận cao
Gần Tết, giá lá trầu tăng cao, nông dân Hậu Giang phấn khởi thu lợi nhuận cao
Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 28/01/2021 13:01 PM (GMT+7)
Ở tỉnh Hậu Giang, thương lái thu mua lá trầu với giá rất cao, giao động từ 6.000 đến 9.000 đồng/ốp (một ốp có 40 lá trầu), cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 3.000 đồng/ốp.
Hiện nay, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, thương lái thu mua lá trầu với giá rất cao, cụ thể lá trầu vàng 6.000 đồng/ốp (một ốp có 40 lá trầu), lá trầu xanh 9.000 đồng/ốp. Mức giá này cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 3.000 đồng/ốp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng ở ấp 5, xã Vị Thủy cho biết: "Với mức giá hiện này, người dân trồng trầu trong hợp tác xã rất phấn khởi bởi lợi nhuận cao".
Được biết, hiện nay, riêng gia đình ông Đời có 2.000 m2 diện tích đất trồng trầu. Mới đây, ông bán được 160 ốp với giá cao như trên.
Theo như ông Đời, 1 tháng vườn trầu của ông thu hoạch 3 đợt (khoảng 10 ngày là hái lá trầu bán một đợt), nếu tính với giá trung bình 2.500 đồng/ốp, sau khi trừ chi phí sẽ có từ 12-13 triệu đồng tiền lợi nhuận. Còn với giá hiện nay, ông Đời có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ tháng.
"Trồng trầu khỏe hơn các loại cây trồng khác, sau khi trồng chỉ bón phân, tưới nước rồi 1 tháng thu hoạch 3 lần, cứ thế có thu nhập hoài. Đối với các loại cây ăn trái thì tốn công chăm sóc hơn nhưng rủi ro cao hơn trồng trầu và chỉ bán được 1 vụ trong năm" - Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng nói.
Theo phóng viên tìm hiểu, hiện xã Vị Thủy là địa phương duy nhất ở tỉnh Hậu Giang có người dân trồng trầu với khoảng 37ha (154 hộ tham gia trồng), tập trung nhất ở ấp 5, ấp 6, ấp 7 và ấp 8. Trong đó, có ấp 5 là chiếm hơn 1/2 diện tích trồng trầu toàn xã.
Lá trầu của xã Vị Thủy phần lớn bán cho các vựa ở địa phương. Sau đó, các chủ vựa sẽ bán cho các chợ đầu mối ở TP.HCM và một số đơn vị xuất khẩu sang Đài Loan.
Thông tin từ UBND xã Vị Thủy cho hay, đầu năm 2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định công nhận nghề trồng trầu ở xã Vị Thủy là nghề truyền thống.
Theo UBND xã Vị Thuỷ, nghề trồng trầu của người dân nơi đây đã xuất hiện cách nay hơn 50 năm. Ngoài tạo nguồn thu nhập cho người trồng thì trầu còn mang lại những giá trị về mặt văn hóa của dân tộc, nhất là trong các dịp đám cưới, tết, đám giỗ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.